Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn những vướng mắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu chí xây dựng trường chất lượng cao (CLC) đã được Hà Nội ban hành và áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông từ năm học 2013 - 2014.

 Trong quá trình triển khai vấp phải khá nhiều bất cập: Khó khăn về tiêu chí giáo viên (GV); học phí; phương pháp dạy tiếng Anh... Vì thế, tại Hội nghị trực tuyến với các quận, huyện về kế hoạch xây dựng, phát triển trường CLC sáng 12/3, các đại biểu đã tập trung bàn biện pháp để tháo gỡ bất cập.

 Chủ trương đúng

Hà Nội hiện đã thí điểm 18 trường CLC và từ nay đến 2015 sẽ xây dựng 35 trường CLC các cấp học cả công lập lẫn ngoài công lập. Đa số các quận, huyện đều đồng tình với mô hình trường CLC bởi việc học tại những nơi này mang tính chất tự nguyện và phát triển ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập.

Đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã chọn 6 trường, triển khai CLC thí điểm từ năm học 2009 - 2010. Về cơ bản, phụ huynh đồng tình nên xây dựng mô hình trường CLC. Khẳng định mô hình trường CLC có nhiều ưu điểm, phát huy được tối đa năng khiếu của học sinh (HS), bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cho biết: Hiện, trường đã có 62% lớp thực hiện mô hình CLC (18/29 lớp). “Bản chất CLC trong trường cũng thay đổi hằng năm trong 5 năm qua, cơ sở vật chất thiết bị ngày càng hiện đại; đội ngũ GV được chọn lọc hơn. Các lớp CLC, bước đầu khắc phục được những bất cập và phát huy ưu điểm, như không có tình trạng dạy thêm, học thêm, phát huy được tối đa năng khiếu của HS, HS được học tập trong môi trường tốt hơn, GV năng động, có môi trường cạnh tranh lành mạnh để GV phấn đấu” - bà Nhiếp bày tỏ. Theo bà Nhiếp, để xây dựng được trường CLC, trước hết phải có sự chủ động của nhà trường. Ngoài ra, phải tính toán thu - chi để bảo đảm nhiệm vụ và đời sống cho GV, nhân viên.

“Vướng” trong thực hiện

Ủng hộ mô hình trường CLC, song nhiều ý kiến cho rằng, cần có những biện pháp gỡ “vướng” cho tiêu chí GV, mức thu, dạy ngoại ngữ… Bà Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: “Tiêu chí GV vẫn là trở ngại lớn, kể cả ở trường công lập lẫn ngoài công lập. Ví dụ, cấp tiểu học yêu cầu 60% GV giỏi cấp huyện. Nếu mỗi năm chúng tôi được tham gia 15 người thì sẽ đạt yêu cầu, nhưng chỉ tiêu thi GV hằng năm hạn chế, chúng tôi phải tham gia thi 6 - 7 năm mới đủ. Trong khi đó các tiêu chí khác đầy đủ”.
Các quận, huyện và nhà trường cần đăng ký và lập kế hoạch xây dựng trường CLC. Đồng thời, sớm thành lập Hội đồng thẩm định chương trình và tiêu chí trường CLC. Tháng 4, các phòng GD&ĐT thẩm định trường; tháng 5, Sở sẽ công nhận một số trường, ưu tiên các trường NCL.

Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT
Đồng quan điểm này, đại diện trường Mầm non Mai Dịch cho biết, đã xây dựng theo mô hình thí điểm từ 2009 - 2010, tuy nhiên còn gặp khó khăn về cơ chế tài chính. Điều trường mong muốn là có cùng mức thu trong nhà trường vì theo quy định, mức thu trường CLC chỉ áp dụng cho khối lớp đầu cấp. Ngoài ra, trong tiêu chí có chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non. Song, mới đây, Bộ GD&ĐT đã có quyết định chấn chỉnh dạy ngoại ngữ trong các trường mầm non. Vậy sẽ thực hiện thế nào?

Xung quanh những vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Tiêu chí trường CLC đưa ra mức 60% GV giỏi cấp tiểu học, 40% đối với THCS cấp TP. Đây là sự khác biệt giữa trường CLC với trường đại trà, GV ở đây không chỉ là những thợ dạy, mà còn phải giỏi. Vì vậy những trường nào trong dự kiến xây dựng trường CLC thì thành lập Hội đồng xét chứ không phải qua cuộc thi. Riêng với khúc mắc về vấn đề dạy ngoại ngữ trong trường, ông Độ khẳng định: “Việc dừng dạy tiếng Anh trong trường mầm non mang tính chất quy củ, nền nếp và lựa chọn được những đơn vị uy tín, chất lượng để đưa vào nhà trường. Vì vậy, những đơn vị này cần được đưa vào phê duyệt của Bộ GD&ĐT”. Còn mức thu, từng trường phải xây dựng đề án trong đó có phương thức tổ chức thực hiện theo mức thu phù hợp. Trung Anh