Công an Hà Nội triển khai nhiều Kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/4, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai các Kế hoạch của Công an TP về công tác PCCC và CNCH.

Trong thời gian qua, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32 về tăng cường công tác PCCC đối với khu dân cư; Chỉ thị số 24 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác PCCC trên địa bàn Thành phố và UBND TP ban hành 2 Đề án về xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và Đề án về tăng cường công tác PCCC khu chung cư, nhà cao tầng.

 Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Đối với công tác PCCC, Công an TP đã ban hành 3 Kế hoạch về thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2019;  thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH Thủ đô” năm 2019 và “Thực hiện Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn TP Hà Nội”.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị và Đề án, Kế hoạch của UBND thành phố đạt hiệu quả, đại diện các đơn vị cũng tham gia thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công an TP cũng đã quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an TP tại Hội nghị giao ban của Công an TP quý I/2019, trong đó tập trung một số vấn đề như: phương châm “Coi phòng cháy là chính, là cơ bản, chữa cháy là kịp thời”, thực hiện có hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ” để chủ động ngăn chặn sớm, xóa bỏ những nguy cơ có thể cháy, nổ, phát hiện sớm, xử lý ngay những đám cháy từ khi mới bắt đầu.
Tổ chức huấn luyện đầy đủ về kỹ thuật, chiến thuật và thường xuyên thực tập các phương án chữa cháy cơ bản cho lực lượng tại chỗ; làm tốt công tác điều tra cơ bản, quản lý chặt chẽ địa bàn, rà soát tổng thể các loại hình cơ sở và phân loại cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong đó tập trung các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; các cơ sở trọng điểm, khu vực đông dân cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất của nhân dân, KCN, làng nghề...
 Đoàn giám sát của Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn kiểm tra công tác PCCC ở khu công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức.
Trước đó, vào ngày 20/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 – 2018. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm gần đây TP rất quan tâm đến công tác PCCC, có các chỉ đạo liên quan đến việc triển khai của các quận huyện, Cảnh sát PCCC và các nội dung PCCC được thực hiện quyết liệt trên một số nhóm vấn đề.
Về quy hoạch, để chủ động trong công tác PCCC, TP đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc các trụ sở Công an, PCCC là do TP đầu tư. Trên cơ sở đó, tất cả các địa điểm do Cảnh sát PCCC đề nghị, TP đều bố trí đủ trụ sở; Về các dự án liên quan công tác PCCC, hiện nay TP thực hiện đầu tư 4 nhóm dự án: Đầu tư trụ sở PCCC; đầu tư trang thiết bị cho Cảnh sát PCCC, Công an, cứu hộ cứu nạn; đầu tư hạ tầng PCCC; đầu tư hệ thống PCCC với tòa chung cư thuộc trách nhiệm quản lý của UBND TP là các nhà tái định cư, phấn đấu hết năm 2019 đầu tư xong cho 176 tòa nhà tái định cư.
Về xử lý công trình không bảo đảm, UBND TP đã áp dụng cơ chế tất cả các chủ đầu tư nếu còn nợ thuế, các công trình chưa khắc phục xong về hạ tầng PCCC thì TP không đồng ý đầu tư dự án mới. Vì vậy, tiến độ trong 2 năm qua các tòa nhà được thực hiện PCCC nhanh hơn.
Chủ tịch UBND TP cho biết, 80% nguyên nhân là từ điện và chất dễ cháy. Những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là do hàn. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP cho rằng hiện nay, nhận thức liên quan tầm quan trọng, trách nhiệm PCCC với cá nhân, gia đình là nguyên nhân quan trọng nhất. Từ đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò vị trí rất quan trọng, ý thức, kỹ năng liên quan PCCC cần được đưa vào giảng dạy tại các trường để học sinh có đầy đủ kiến thức.
Hiện nay chính sách quản lý nhà chung cư đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về phí bảo trì, bảo dưỡng; hình thức tự bầu Ban quản lý tòa nhà cũng đang có nhiều bất cập; nhiều tòa nhà tự ý đóng cửa thang máy để giảm chi phí…Vì thế, Chủ tịch UBND TP kiến nghị Đoàn giám sát thống nhất chính sách về quản lý chung cư.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân trong khu dân cư, chung cư được TP thực hiện thường xuyên. Hàng năm, TP đều tổ chức các cuộc thi để nâng cao hiểu biết, nhận thức. Tuy nhiên, qua thực tế đánh giá công tác tuyên truyền chưa đủ độ, việc này TP sẽ rút kinh nghiệm để tăng cường chỉ đạo.
Quản lý PCCC ở khu phố cổ, phố cũ, đã có dự án tái định cư cho khu vực này nhưng 10 năm còn “dậm chân tại chỗ” do liên quan kinh phí đầu tư. Vì thế, thời gian tới, TP sẽ quyết tâm thực hiện dự án, xây dựng khu vực tái định cư để vận động giãn dân phố cổ. Đồng thời cho biết, TP đang triển khai mô hình giám sát về PCCC bằng các hệ thống cảm biến tự động với các chung cư cao tầng, do Chủ đầu tư chịu kinh phí đầu tư
Chủ tịch UBND TP mong muốn có sự đồng bộ quy chuẩn về các thiết bị trong các văn bản quy định để trang bị cho các lực lượng PCCC những sản phẩm tốt của các nước tiên tiến…