Đa số ý kiến đều cho rằng, Vinastas đã quá vội vàng, thiếu trách nhiệm, thậm chí vi phạm luật dân sự.
Asen hữu cơ gần như không gây hại
Trước thông tin 67% mẫu nước mắm chứa asen vượt ngưỡng khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng, thậm chí có người tuyên bố tẩy chay nước mắm vì sợ ung thư. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, việc Vinastas công bố nước mắm nhiễm asen nhưng không nói rõ đấy là asen vô cơ hay hữu cơ, khi tìm hiểu mới biết đó là asen hữu cơ. TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) phân tích, nếu như asen vô cơ là một hợp chất của asen với nguyên tử, nguyên tố khác, rất độc, có thể gây ung thư, tử vong. Còn asen hữu cơ lại rất dễ hấp thụ vào cơ thể và cũng đào thải ra ngoài cơ thể rất nhanh. Asen hữu cơ phổ biến trong môi trường thủy sản, hầu như trong các loài cá nào cũng có, trong rong rêu, tảo, nấm... vì thế trong nước mắm sẽ có asen hữu cơ, gần như không gây hại cho cơ thể.
Đề cập đến vấn đề này, một cán bộ thuộc Bộ KH&CN tránh nhắc đến việc công bố của Vinastas nhưng khẳng định, asen trong nước mắm cũng như chứa trong các loại hải sản hầu hết là asen hữu cơ, không gây độc. Nước mắm chủ yếu được làm từ các loại cá biển (cá cơm, cá thu, cá nục…) và rút chiết ra dưới dạng nước, việc nước mắm có chứa asen hữu cơ là điều đương nhiên, khó tránh khỏi.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, Vinastas đưa ra cảnh báo không chính xác khiến cho người tiêu dùng hoang mang là điều đáng trách. Tuy nhiên, ngưỡng hàm lượng asen trong thực phẩm (trong nước mắm) đang được Bộ Y tế quy định chung chung, vì vậy, Bộ này nên ban hành quy chuẩn mới, trong đó cần quy định chỉ tiêu asen vô cơ, thay cho quy định asen tổng số như hiện nay.
Thiếu trách nhiệm
Ngoài phân tích chỉ số asen, ông Trần Đáng còn cho rằng, việc công bố thông tin của Vinastas chưa đáng tin cậy bởi không biết những mẫu nước mắm ấy được kiểm nghiệm ở labo nào, labo đó có đạt tiêu chuẩn không? Ngoài ra, theo ông Đáng, Vinastas mới chỉ tiến hành một khảo sát không đảm bảo tính khoa học lại vội vàng công bố. Trong khi trách nhiệm công bố về ATTP thuộc Bộ Y tế, cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế giao cho Cục trưởng Cục ATTP phát ngôn. “Hội Vinastas không có quyền công bố những kết quả kiểm nghiệm liên quan đến ATTP. Nếu làm thiệt hại đến nền sản xuất, thị trường tiêu thụ, Hội này phải bồi thường thiệt hại cho các DN nước mắm theo quy định của pháp luật” - ông Đáng nói.
Còn theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), kết quả vừa được Vinastas công bố chỉ là những khảo sát ban đầu, chưa được cơ quan chức năng giám định, kiểm chứng, vì vậy không thể làm cơ sở cho việc xử lý. Ông Quang nói thêm, Luật không cấm các DN sản xuất nước mắm công nghiệp hay truyền thống, thủ công, nhưng sản phẩm xuất ra thị trường phải được công bố chất lượng, có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng.
Đánh giá về thông tin này, bà Nguyễn Thủy – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hiếu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dù không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, không đúng chức năng, thẩm quyền nhưng Vinastas vẫn đứng ra công bố nước mắm nhiễm thạch tín là sai. Những thông tin này rất nhạy cảm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, tiêu thụ nước mắm Việt Nam nói chung. Nếu DN nào xác định thiệt hại bởi thông tin này có thể khởi kiện Vinastas.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương: Chưa thể xác định có hay không cạnh tranh không lành mạnh Được biết Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc đã có đơn kiến nghị gửi Bộ Công Thương và Bộ Y tế, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý cách đánh giá kết quả khảo sát của Vinastas… nhưng đến nay Cục chưa nhận được văn bản kiến nghị này. Ngay khi nhận được và xét kiến nghị là hợp lý, Cục sẽ xem xét cụ thể và có ý kiến chính thức. Chính vì thế, tại thời điểm này, câu hỏi có hay không cạnh tranh không lành mạnh giữa DN sản xuất nước mắm công nghiệp với DN sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống là chưa thể xác định được. Lý do là bởi phải xác định rõ giữa DN sản xuất công nghiệp và truyền thống cạnh tranh không lành mạnh ở những điểm nào? Bên cạnh đó cũng phải làm rõ Vinastas căn cứ vào những quy định nào của pháp luật khi công bố kết quả kiểm định. Trong quá trình kiểm định, Vinastas có nhận được sự hỗ trợ của DN hay không và DN đó có phải là DN hoạt động sản xuất nước mắm công nghiệp? Để làm được việc này đòi hỏi chính bản thân DN sản xuất nước mắm truyền thống phải hỗ trợ cơ quan chức năng trong qua trình thực thi. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra các cơ sở, DN sản xuất nước mắm, tổng hợp để báo cáo kết quả kiểm tra lên Thủ tướng Chính phủ vào ngày 22/10. Kết quả kiểm tra là những cơ sở để các ngành, trong đó có Cục Quản lý cạnh tranh, có thể xác định được vấn đề có hay không việc cạnh tranh không lành mạnh giữa DN sản xuất nước mắm công nghiệp với DN sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống. Ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản - Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ NN&PTNT: Nội dung mà phía Vinastas công bố rất sơ sài, các thông tin cơ bản không đáp ứng được về tính đại diện, phương pháp lấy mẫu, xử lý số liệu sau kiểm nghiệm... Hơn nữa, asen hữu cơ bản thân đã tồn tại trong con cá nên việc nước mắm có tồn dư hàm lượng asen hữu cơ là đương nhiên và không độc nếu hàm lượng và việc sử dụng không nhiều. Để đánh giá chất lượng sản phẩm, cần phải có hội đồng khoa học đánh giá đầy đủ thì mới công bố rộng rãi, còn nếu chỉ mới là kết quả khảo sát sơ bộ mà Vinastas đã công bố rầm rộ như vừa qua là quá vội vã, ảnh hưởng đến các DN sản xuất nước mắm truyền thống. Ông Nguyễn Mậu Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội: Việc công bố các chỉ tiêu chất lượng qua khảo sát tình hình sản xuất và chất lượng nước mắm tại Việt Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Vinastas không có quyền công bố thông tin về nước mắm Ngày 20/10, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội về việc Vinastas công bố những thông tin về nước mắm vừa qua, ĐB Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: Vinastas không có quyền công bố những thông tin về nước mắm như vừa qua, vì nó thuộc quyền của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu như Vinastas phát hiện ra vấn đề thì phải đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc xử lý. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, tôi cho rằng, việc làm của Vinastas là vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương. Vinastas là Hội Bảo vệ người tiêu dùng, phải thực hiện đúng chức năng mà Luật Hội, Nghị định 45 quy định. Sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật về Hội và tôi sẽ tham gia góp ý về vấn đề đó, xem thẩm quyền của Hội đến đâu. Những Hội nào tham gia vào quản lý Nhà nước và như thế thì phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý thế nào. Hội không thể làm thay cơ quan quản lý Nhà nước. Không thể có chuyện Hội muốn làm gì thì làm, tự kiểm nghiệm nước mắm rồi đứng lên công bố thông tin. Khi cơ quan quản lý Nhà nước chưa có kết luận chính thức, chưa công bố thì người tiêu dùng không nên hoang mang, lo lắng bởi những thông tin này không đáng tin cậy. (Trần Hà ghi) |