Công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2019: Hà Nội duy trì vị trí thứ hai khối tỉnh, thành phố

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhận định kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng cho rằng, công tác cải cách hành chính nhận được sự quan tâm ngày càng cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thường xuyên và rất cụ thể với từng lĩnh vực. Kết quả thực hiện nhiệm vụ này tại các bộ, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, với hầu hết chỉ số có giá trị tăng điểm so với năm 2018...

Sáng nay (19/5), Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Công bố Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (PARINDEX 2019) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì. Tại điểm cầu TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì, với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã của TP.

Tại đây, Vụ trưởng Vụ CCHC - Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng cho hay, triển khai Kế hoạch xác định CCHC năm 2019, sau khi có ý kiến đồng ý của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Đề án xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi tắt là bộ), UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (gọi tắt là tỉnh) tại Quyết định 1150/QĐ-BNV ngày 30/12/2019. Tháng 11/2019, Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện các mẫu phiếu khảo sát từng nhóm đối tượng; cập nhật vào phần mềm quản lý chấm điểm; tiếp theo ban hành văn bản hướng dẫn triển khai công tác điều tra XHH xác định Chỉ số CCHC năm 2019. Tổng số phiếu khảo sát là 20.716 phiếu (chưa tính mẫu khảo sát người dân, DN), cụ thể cấp bộ có 9.840 phiếu, cấp tỉnh có 10.876 phiếu. Kết quả điều tra XHH đối với DN và người dân được thực hiện khảo sát riêng qua Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - Chỉ số SIPAS, với số lượng phiếu khoảng 36.600 người dân, DN tại 63 tỉnh, TP ở cả 3 cấp đơn vị hành chính.

 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội

Ngân hàng Nhà nước đứng đầu các bộ

Về kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung vào 2 nhóm điểm: Nhóm A đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, gồm 3 đơn vị:  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu với điểm số 95,40%; tiếp theo là Bộ Tài chính 94,77%; Bộ Tư pháp 90,12%. Nhóm B đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị lần lượt có số điểm từ cao đến thấp gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương, Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL, Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ Y Tế, Bộ GTVT. Trong đó, Bộ GTVT đứng cuối bảng xếp hạng với điểm số 80,53%.

Cũng theo kết quả PAR INDEX, giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85,63%, tăng 2,95% so với năm 2018 (giá trị trung bình năm 2018 là 82,68%). Năm 2019 không có bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Có 16/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng hơn năm 2018, trong đó, Bộ GTVT có giá trị điểm số tăng 5,4% so với năm 2018, là đơn vị có điểm số tăng cao nhất so với các bộ; Bộ Công Thương có giá trị thấp hơn năm 2018 là 0,02%. Cùng đó, khoảng cách giữa bộ đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với bộ có kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 thấp nhất là 14,87% (năm 2018 khoảng cách này là 15,44% và năm 2017 là 20,23%) cho thấy, các bộ đã có nhiều sự cải thiện về điểm số, phản ánh những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành trong năm vừa qua.

Ngoài ra, phân tích giá trị trung bình của các chỉ số thành phần (CSTP) theo từng lĩnh vực cho thấy, 6/7 CSTP có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2018, trong đó: CSTP “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” có giá trị tăng cao nhất là 7,06% (từ 87,65% năm 2018 lên 94,71% năm 2019), thể hiện những nỗ lực của các bộ, cơ quan trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ CCHC thông qua các nội dung kiểm tra, tuyên truyền CCHC, nâng cao chất lượng công tác ban hành kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch CCHC đã ban hành. Có 9/17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt tỷ lệ 100% số điểm tại CSTP công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện quá hạn nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục giảm đáng kể… Về CSTP “Hiện đại hóa hành chính” có giá trị trung bình tăng cao thứ hai sau CSTP “Công tác chỉ đạo điều hành CCHC” với giá trị tăng 5,75% (từ 83,89% lên 89,64% ở năm 2019). Các bộ đạt được kết quả khá tích cực tại tiêu chí cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

 Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội kiểm tra đột xuất tại bộ phận Một cửa UBND huyện Thanh Trì

Hà Nội duy trì vị trí á quân

Cũng tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ CCHC công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư cho biết: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 1 tỉnh (Quảng Ninh); nhóm B đạt từ 80%-dưới 90%, gồm 43 tỉnh, TP; nhóm C đạt từ 70%-dưới 80%, gồm 19 tỉnh, TP. Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có kết quả đạt giá trị trung bình 81,15%, cao hơn 4,23% giá trị trung bình năm 2018 (76,92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. Đáng chú ý, năm 2019 có 44 đơn vị đạt kết quả Chỉ số trên 80%, năm 2018 chỉ có 9 đơn vị trong nhóm này; năm 2019 không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%, trong khi năm 2018 có tới 3 đơn vị thuộc nhóm này. Khoảng cách kết quả chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng là 16,22%, tiếp tục được thu hẹp đáng kể so với các năm trước. Kết quả cũng chỉ ra, năm 2019, số lượng đơn vị có điểm đánh giá tăng so với năm 2018 là 62 tỉnh, TP, cao hơn nhiều so với kết quả đánh giá năm 2018 (chỉ có 19 đơn vị tăng điểm so với năm 2017). Trong số các đơn vị tăng điểm của năm 2019, Trà Vinh tăng cao nhất (tăng 9,04), tăng thấp nhất là Cần Thơ (tăng 0,15). Địa phương duy nhất có kết quả điểm đánh giá năm 2019 giảm so với 2018 là Đà Nẵng (giảm 0,03), song vẫn nằm trong 10 địa phương đạt Chỉ số CCHC cao nhất cả nước.

Theo kết quả cụ thể, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục lần thứ 3 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019, với điểm số 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là TP Hà Nội, đạt 84,64%. Năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu triển khai các nhiệm vụ CCHC mới do T.Ư triển khai. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với kết quả 84,43%, tăng cao hơn 0,72% so với năm 2018. Vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019 lần lượt thuộc về TP Hải Phòng (84,35%) và tỉnh Long An (84,33%). Bến Tre là địa phương xếp vị trí thứ 63/63 tỉnh, TP, với kết quả đạt 73,87%. Chi tiết cũng cho thấy, công tác CCHC năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn khá nhiều tồn tại, hạn chế.

So sánh kết quả Chỉ số CCHC giữa các vùng kinh tế cho thấy, năm 2019, giá trị trung bình Chỉ số CCHC của cả 6 khu vực kinh tế đều tăng cao hơn so với năm 2018, trong đó, 5/6 khu vực đạt giá trị trung bình trên 80%. Khu vực Đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Nam Bộ vẫn là 2 vùng kinh tế có giá trị trung bình cao nhất, lần lượt đạt 82,95% và 82,02%; xếp ở vị trí thứ 3, thứ 4 và thứ 5 lần lượt là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, đạt 80,97%, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, đạt 80,76% và khu vực Tây Nam Bộ, đạt 80,42%. Tây Nguyên là khu vực đạt giá trị trung bình thấp nhất với kết quả 79,63%. 

Hầu hết chỉ số có giá trị tăng điểm so với năm 2018

Đáng chú ý, năm 2019, nhìn chung, các CSTP đều có sự cải thiện đáng kể về giá trị trung bình. 7/8 CSTP có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018; CSTP duy nhất có giá trị trung bình giảm là “Đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH tại địa phương”, thấp hơn 3,89% so với năm 2018; có 5/8 CSTP đạt giá trị trung bình trên 80%, trong khi năm 2018 chỉ có 3 CSTP đạt nhóm này. Trong đó, CSTP “Cải cách TTHC” tiếp tục có giá trị trung bình cao nhất, với kết quả 90,57%, cao hơn 5,78% so với năm 2018; 63/63 địa phương đều đạt kết quả trên 80% ở CSTP này. Bà Rịa-Vũng Tàu đứng đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 99,83%; đứng cuối bảng xếp hạng là tỉnh Gia Lai với 80,28%. 

Xếp cuối cùng là CSTP “Cải cách tài chính công” có giá trị trung bình đạt 74,49%, tăng 3,22% so với năm 2018. Năm 2019, một số nội dung cải cách chưa được thực hiện tốt tại địa phương, như: Tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư còn chậm; công tác thanh tra, kiểm tra tại bộ, ngành, địa phương cũng phát hiện và xử lý nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính tại cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp tại địa phương… TP Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng này với chỉ số 89,19%; Bến Tre thấp nhất với 41,41%.

Nhận định kết quả chỉ số CCHC năm 2019, ông Phạm Minh Hùng cho rằng, công tác CCHC nhận được sự quan tâm ngày càng cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thường xuyên và rất cụ thể với từng lĩnh vực. Kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các bộ, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, tác động tích cực đến người dân, DN (hầu hết các chỉ số có giá trị tăng điểm so với năm 2018). Tuy nhiên, hạn chế nổi bật là một số bộ chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chậm tiến độ các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao; công tác cải cách thể chế còn một số vướng mắc chậm được tháo gỡ… Đối với các tỉnh, đáng kể là một số địa phương chưa giải quyết dứt điểm những hạn chế, vướng mắc phát hiện qua công tác kiểm tra CCHC; một số nơi chưa kịp thời công bố công khai TTHC trên cổng/trang TTĐT; còn tồn tại phòng chuyên môn thuộc sở, ngành, huyện có cơ cấu chưa hợp lý…