Công bố Chỉ số PAPI 2020: Còn nhiều vấn đề người dân quan ngại

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam - PAPI 2020 được công bố hôm nay (14/4), một điểm nổi bật rút ra là những thay đổi tích cực trong công tác quản trị và hành chính công có thể là một thành tố giúp cải thiện niềm tin của người dân vào chính quyền.

Tiếp tục tăng tỷ lệ người dân phải trả phí ngoài quy định để làm “sổ đỏ”

Theo nhóm nghiên cứu PAPI 2020, kết quả phân tích các chỉ tiêu không thay đổi qua 10 năm (2011-2020) cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công ở cấp quốc gia có xu hướng cải thiện từng bước từ năm 2016, cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021. Đóng góp cho sự cải thiện này là nỗ lực của 60 tỉnh, thành phố (TP) với tỷ lệ tăng trưởng dương thường niên ở điểm chỉ số PAPI Gốc trong giai đoạn 2011-2020.

Đáng chú ý, điểm Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” năm 2020 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, phần nào phản ánh tác động của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay. Cùng đó, điểm Chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” gốc cũng tăng dần đều qua các năm 2016-2020. Trong khi, theo phân tích của nhóm nghiên cứu PAPI 2020, điểm Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” có xu hướng sụt giảm chủ yếu do điểm nội dung thành phần về hiệu quả huy động người dân tham gia đóng góp tự nguyện (thay vì bị ép buộc) vào các dự án công trình công cộng với mô hình Nhà nước và Nhân dân cùng làm; tác động của đại dịch Covid-19 tới việc thực hiện các dự án công trình công cộng trong năm 2020. Chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính (TTHC) công” cũng sụt giảm, có thể do những nỗ lực đơn giản hóa TTHC và cải thiện dịch vụ hành chính công hiện nay tập trung vào những lĩnh vực liên quan doanh nghiệp nhiều hơn những lĩnh vực liên quan người dân.

 Tổng quan Chỉ số PAPI 2020

Kết quả khảo sát ở khía cạnh “sự tham gia tự nguyện của người dân trong các dự án công trình công cộng thực hiện theo mô hình Nhà nước và Nhân dân cùng làm” cho thấy, việc tham gia tự nguyện (thay vì bị bắt buộc) của người dân tăng dần qua mỗi năm kể từ đầu nhiệm kỳ chính quyền 2016-2021. Tuy nhiên, đến năm 2020, điểm nội dung thành phần này giảm khá nhiều. Điều này, theo nhóm nghiên cứu, có thể phản ánh thực tế với điều kiện kinh tế khó khăn do tác động của Covid-19, chính quyền địa phương đã đề xuất ít dự án hơn và ít yêu cầu người dân đóng góp hơn trước. Điều đó dù khiến điểm Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” sụt giảm, song không nhất thiết do chất lượng huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân giảm sút, mà có thể là nhờ khả năng thích ứng của chính quyền với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của người dân trong năm 2020. 

Đáng chú ý, ở Chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”, nghiên cứu năm 2020 cho thấy có sự cải thiện từng bước trong công tác tiếp dân của chính quyền địa phương qua các năm từ năm 2011. Đặc biệt, trong năm 2020, tỷ lệ người dân tương tác với cán bộ, chính quyền cơ sở tăng lên. Trong đó, tỷ lệ người dân tới gặp trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố tăng từ mức trung bình 23% mỗi năm giai đoạn 2016-2019 lên khoảng 29% năm 2020 để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề họ gặp phải với gia đình, hàng xóm hoặc chính quyền địa phương; tỷ lệ người dân tiếp xúc với đại biểu HĐND cũng tăng đáng kể, dù thấp hơn tỷ lệ tiếp xúc với trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố.

Với kết quả Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” có chuyển biến tích cực trong nhiệm kỳ 2016-2021, nhóm nghiên cứu cho rằng, từ góc nhìn của người dân, công cuộc chống tham nhũng đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương. Trong đó đáng lưu ý, tỷ lệ người được hỏi cho rằng hối lộ là cần thiết để có việc làm trong cơ quan nhà nước, khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận, khi làm GCN quyền sử dụng đất, khi muốn con em được giáo viên tiểu học trường công lập quan tâm hơn và khi làm giấy phép xây dựng tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công cho thấy một bức tranh kém tươi sáng hơn. Đó là tỷ lệ người dân đã phải trả chi phí ngoài quy định để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng trong năm 2020, với hơn 32% cho biết phải trả thêm tiền ngoài quy định mới làm xong giấy tờ này cho hộ gia đình. Cùng đó, kết quả khảo sát 2020 cho thấy, tỷ lệ cho rằng quan hệ cá nhân là “quan trọng” hoặc “rất quan trọng” tiếp tục giảm, mặc dù tỉ lệ này vẫn cao đến trên 60%. Ở cả 5 vị trí được hỏi, tỷ lệ người trả lời cho rằng để xin việc làm vào 5 vị trí đó thì cần tới thân quen ở mức thấp nhất kể từ khảo sát năm 2011. 

 

Xu thế biến đổi ở 6 chỉ số lĩnh vực nội dung PAPI Gốc, 2011-2020

4 vấn đề người dân quan ngại nhất

Báo cáo PAPI 2020 đã phát hiện nghiên cứu về những vấn đề người dân mong muốn Nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết. Trong bối cảnh Covid-19, Báo cáo cũng chỉ ra tác động của đại dịch tới ý kiến của người dân về những vấn đề đáng quan ngại nhất, tới điều kiện kinh tế hộ gia đình và cảm nhận về nền kinh tế của đất nước.

Tương tự 5 năm qua, mối quan ngại về đói nghèo vẫn ở mức cao nhất, dù tỷ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết giảm xuống còn 18% - thấp nhất từ năm 2015. Đáng chú ý, tỷ lệ quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm lại gia tăng, trở thành 2 trong số 4 vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2020. Cùng đó, mối quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế cũng tăng vọt, từ 2% vào năm 2019 lên 17% vào năm 2020.

Trong đó, mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế năm 2020 phản ánh những lo lắng trong dân cư về điều kiện kinh tế hộ gia đình và mối lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trong giai đoạn 2011-2019, tỷ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình là kém nhìn chung giảm dần và tỷ lệ người dân cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình của họ là tốt tăng lên. Tuy nhiên, kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy xu hướng đảo chiều ở cả hai vế đánh giá. Số người trả lời cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ là kém hoặc rất kém tăng lên, trong khi số người cho rằng tình hình kinh tế gia đình của họ tốt hoặc rất tốt giảm đi. Có lẽ kết quả đáng chú ý hơn là tỷ lệ người trả lời cho biết điều kiện kinh tế hộ gia đình so với 3 năm trước và cảm nhận về nền kinh tế Việt Nam nói chung. Cụ thể, tỷ lệ người trả lời cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ kém hơn so với 3 năm trước tăng từ 14% năm 2019 lên 18% năm 2020. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước.

Đại dịch Covid-19: Ứng phó của chính quyền và sự ủng hộ của người dân

Để tìm hiểu tại sao người dân ít lạc quan hơn về tình hình kinh tế hộ gia đình trong năm 2020, Báo cáo PAPI 2020 đã trình bày kết quả khảo sát về tỷ lệ người dân cho biết họ bị mất việc làm do tác động của Covid-19.

 Quang cảnh Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam - PAPI 2020 

Theo đó, tình trạng người dân bị mất việc làm phổ biến trên phạm vi toàn quốc, với 25% người trả lời nói rằng họ hoặc thành viên trong gia đình bị mất việc làm do đại dịch Covid-19. Tỷ lệ người mất việc làm tập trung nhiều nhất ở vùng duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ. Các tỉnh, TP như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với tỷ lệ mất việc làm hơn 45%. Những địa phương này chịu ảnh hưởng nặng nề sau đợt Covid-19 thứ hai khởi phát ở Đà Nẵng vào tháng 7/2020. Tỷ lệ người dân bị mất thu nhập lớn hơn nhiều, với 65% người trả lời cho biết thu nhập của họ và hộ gia đình đã mất hoặc giảm do Covid-19. Tỷ lệ người bị mất hoặc giảm thu nhập tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, TP duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ, nơi có hơn 85% số người được hỏi cho biết bị mất hoặc giảm thu nhập trong năm 2020. Người dân các tỉnh biên giới phía Bắc ít chịu tác động của Covid19-19 tới việc làm và thu nhập nhất. Theo nhóm nghiên cứu PAPI 2020, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và thành công của Việt Nam trong khống chế dịch bệnh là những chủ đề được chú ý trong năm 2020.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng cho thấy, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương ở 5 trong 8 chỉ số nội dung PAPI có tác động nhất định. Các chỉ số nội dung được sử dụng để phân tích mối tương quan gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Quản trị điện tử. Kết quả phân tích cho thấy, 3 chỉ số nội dung có mối tương quan tích cực với mức độ tuân thủ của người dân. Trong đó, với Chỉ số “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, điểm chỉ số mà tăng lên 1 điểm, thì tỷ lệ người trả lời tuân thủ lệnh giãn cách tăng lên 1,2 điểm phần trăm. Ở Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, cứ mỗi điểm tăng lên tương ứng tỷ lệ gia tăng người tuân thủ là 1,5 điểm phần trăm. Đặc biệt, Chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” có mối tương quan mạnh nhất tới mức độ tuân thủ lệnh giãn cách toàn quốc: Cứ mỗi điểm chỉ số tăng lên tương ứng tỷ lệ người dân tuân thủ tăng lên 3,1 điểm phần trăm. Những phát hiện này phù hợp với quan điểm cho rằng quản trị tốt, đặc biệt trong kiểm soát tham nhũng, sẽ góp phần củng cố mức độ tuân thủ các giải pháp chính sách của Nhà nước.

Từ những khảo sát, nhóm nghiên cứu PAPI 2020 đề xuất trong thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả hoạt động công vụ của bộ máy quản trị nhà nước, vì không chỉ giúp Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế mà còn ứng phó nhanh với các tình huống khẩn cấp bất ngờ tương tự với đại dịch Covid-19.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần