Tới dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện nhiều bộ, ngành.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã công bố 3 phương án thi tốt nghiệp THPT năm học 2014-2015.
Phương án 1: Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ vẫn thi theo môn học truyền thống với 8 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải bắt buộc thi 4 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số 5 môn thi còn lại.
Ngoài 4 môn này, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác để sử dụng kết quả vào việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Dự kiến các năm sau năm 2015 sẽ có thể bổ sung thêm các môn thi như Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học và môn Ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc.
Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giới thiệu dự thảo các phương án của "một kỳ thi quốc gia"
|
Đề thi theo phương án 1 đảm bảo yêu cầu hầu hết thí sinh đáp ứng được các nội dung mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng để tốt nghiệp THPT. Còn học sinh có học lực từ trung bình khá trở lên mới đáp ứng được yêu cầu các nội dung ở mức độ vận dụng cao để có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Phương án 2: Sẽ tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Các bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi tự nhiên (tổng hợp từ các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi xã hội (tổng hợp từ các môn Lịch sử, Địa lý).
Các năm sau năm 2015, nếu chọn phương án “thi theo bài” này, Bộ GD&ĐT cũng sẽ bổ sung kiến thức của các môn giáo dục công dân, công nghệ, tin học vào các bài thi và chuyển dần từ việc ra câu hỏi độc lập của mỗi môn thi bằng câu hỏi có tính tích hợp kiến thức liên môn. Với phương án này, thí sinh sẽ phải bắt buộc thi 4 bài để xét tốt nghiệp THPT gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài tự chọn trong số bài thi tự nhiên hoặc xã hội.
Phương án 3: Sẽ có 4 bài thi tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ 11 môn học của lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ. Các bài thi sẽ gồm bài thi Toán-Tin ( gồm môn Toán và môn Tin), bài thi khoa học xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), bài thi khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ) và bài thi Ngoại ngữ.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, phương án 3 gọn nhẹ hơn (thi trong 4 buổi, với 2 ngày). Nhưng có khó khăn cơ bản là giáo viên và học sinh chưa kịp chuẩn bị đón nhận cách thức thi nên có thể gây lo lắng. Nếu thực hiện ngay trong năm 2015 thì cần phải nỗ lực rất lớn để chuẩn bị ở tất cả các khâu, trong đó quan trọng nhất là khâu ra đề, chấm thi. Việc ra đề thi tổng hợp nhiều môn học, lại sử dụng cho mục đích công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ nên khó khăn hơn. Khâu chấm thi cũng phức tạp hơn khi phải có nhiều giáo viên các môn học khác nhau cùng chấm các bài thi tổng hợp liên môn.