Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 2 luật vừa được Quốc hội thông qua

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 29/11, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về hai luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2.

Hai luật được công bố gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. 

Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự gồm 2 điều, nhằm đáp ứng yêu cầu, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đối với Việt Nam và giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Tại khoản 1, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, đồn Công an).

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp báo

Tại các khoản 2, 5 và 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất Luật và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các khoản này cũng quy định giao cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Luật sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Luật sửa đổi theo hướng thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, đảm bảo công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp; phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sơ hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Đối với Điều 2 của Luật, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã nêu tại khoản 1 Điều 1 của Luật, bảo đảm đúng theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021. 

Tạo cơ sở pháp lý cho việc thu nhập, tính toán các chỉ tiêu thống kê

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu nhập, tính toán các chỉ tiêu thống kê cũng như cơ sở pháp lý để biên soạn GDP, GRDP và đánh giá lại quy mô GDP; từ đó nâng cao chất lượng thống kê và hội nhập quốc tế.

Theo đó, Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, TP.

Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.

Luật sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Luật thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015; gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 2 luật vừa được Quốc hội thông qua - Ảnh 2

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần