Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố Quyết định điều chỉnh Quy hoạch Vùng Thủ đô

Hoàng Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/8, Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quyết định điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2 với quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 21 - 23 triệu người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55 - 60%.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: Lưu Huyền
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: Lưu Huyền
Hà Nội với vị thế Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia sẽ phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng từ 65 - 70%. Vĩnh Phúc phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái gắn với các đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Bắc và cả nước. Bắc Ninh phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp, tập trung vào kinh tế tri thức. Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam, là các tỉnh thuộc Đông Nam Đồng bằng sông Hồng phát huy các lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống giao thông hướng biển (hành lang Hà Nội - Phố Nối - Hải Dương - Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý). Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là các tỉnh trung du miền núi.

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị: Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Hệ thống đô thị các tỉnh vùng đồng bằng: Khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị, đặc biệt là các đô thị trung tâm nhằm phát huy thế mạnh của đô thị. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị. Cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên (núi, sông, suối, hồ...), ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp. Trong đó tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (Vành đai 4, Vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế.