KTĐT - Các chuyến đưa hàng về nông thôn thời gian qua đã thu được những kết quả khả quan và chính kết quả đó giúp các doanh nghiệp “khám phá” một điều: Thị trường nội địa còn rất nhiều tiềm năng.
Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được giới kinh doanh nước ngoài chú ý, đánh giá cao sự hấp dẫn và cơ hội đầu tư vào đây. Nhưng hình như với nhiều doanh nghiệp trong nước, sự hấp dẫn đó vẫn chỉ là do giới truyền thông “đánh bóng” lên nhằm thu hút đầu tư là chính. Vì thế với nhiều doanh nghiệp, thị trường nội địa vẫn ở dạng tiềm năng, vẫn như một “nàng công chúa ngủ trong rừng” chờ chàng hoàng tử ở xứ nào đến đánh thức.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đã làm mọi điều thay đổi. Ngay từ quý 4/2008, trước những khó khăn do các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam rơi vào trầm lắng, hàng xuất đi sa sút, nhiều doanh nghiệp đã theo “lối cũ ta về” với thị trường nội địa.
Việc quay về thị trường nội địa được Chính phủ khuyến khích và càng ngày giới doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý càng nhận ra đây là hướng phát triển chiến lược lâu dài. Điều này không chỉ dựa trên tính hấp dẫn đã được các hãng nghiên cứu thế giới xếp hạng, cũng không phải bị sốc vì sự xuất hiện ngày càng đông các đại gia bán lẻ nước ngoài tại nước ta. Điều này được rút từ chính kết quả phát triển của thị trường bán lẻ nước ta. Tính đến hết thàng 10/2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của 10 tháng đạt 958.274 tỷ đồng tương đương 51 tỷ USD tăng 18% so với cùng kỳ năm 2008. Tính cả năm, năm nay tổng mức bản lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa sẽ đạt ngót 63 tỷ USD. Với số liệu như trên, thị trường nội địa đã vượt qua xuất khẩu về trị giá và tính về tốc độ tăng thì còn cao hơn nhiều, do năm nay xuất khẩu tăng trưởng âm khi ước đạt 56-57 tỷ USD. Rõ ràng thị trường nội địa đã bước dài hơn thị trường xuất khẩu để đưa kinh tế nước ta phát triển đạt mức 5,5% như Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá. Cũng theo đánh giá của WB về việc Việt Nam vượt qua khủng hoảng tương đối tốt, tổ chức này nhận xét: “Tiêu thụ nội địa cũng là một nhân tố quan trọng của tiến trình phục hồi với việc bán lẻ tăng 9,3% trong giai đoạn từ tháng giêng đến tháng 8 so với cùng kỳ năm trước”. Có thể những tính toán cụ thể còn có sai số kỹ thuật nhưng vị thế và vai trò tích cực của thị trường trong nước đã được khẳng định.
Trong suốt 20 năm mở cửa, sản xuất của Việt Nam hướng ra thị trường ngoài nước là chính. Điều đó không sai, bởi lúc đó thu nhập đầu người trong nước quá thấp, sức mua chưa cao. Công cuộc đổi mới giải phóng sức lao động sáng tạo, trong sản xuất, tạo ra lượng hàng hóa dồi dào không chỉ đáp ứng nhu cầu còn thấp trong nước mà phải đẩy mạnh xuất khẩu, vừa là tiêu thụ hết sản phẩm trong nước làm ra, vừa đem lại ngoại tệ để nhập nguyên vật liệu máy móc và hàng hóa phục vụ sản xuất tiêu dùng trong nước. Trong những năm đổi mới, đời sống và mức sống người dân tăng lên tạo ra cơ sở phát triển thị trường nội địa. Và giờ đây đến lượt mình, thị trường nội địa trở thành cứu cánh cho kinh tế phát triển.
Các nhà nghiên cứu kinh tế thế giới mới đây khi đánh giá sự phát triển của Trung Quốc cũng cho rằng, việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thu được kết quả khả quan trong năm 2009 cũng chính là do nước này phát triển mạnh tiêu dùng nội địa. Một chuyên gia kinh tế thế giới, ông Gordon Chang cho rằng: Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ít hơn con số 40% mà họ tính toán. Hồi năm 2001, khi gia nhập WTO, xuất khẩu Trung Quốc trở thành động lực chính và được Chính phủ nước này cổ vũ. Các công ty đổ xô đi xây dựng các nhà máy xuất khẩu, vì khi đó người dân còn nghèo, không đủ tiền mua hàng hóa làm ra. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi nhanh trước cuộc khủng hoảng kinh tế. Tổ chức nghiên cứu thị trường Trung Quốc (CMRG) ước tính, trong năm 2008 xuất khẩu chỉ còn chiếm tỷ trọng 20% GDP của Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu giảm dần vai trò, và tiêu thụ nội địa trên đà gia tăng.
CMRG ước tính, tiêu thụ nội địa nước này từ 33% hiện nay sẽ tăng lên 50% trong vài năm tới. Trung Quốc đang chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất xuất khẩu sang kinh tế dịch vụ. Các nhà máy tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường sẽ được chuyển dịch dần sang Việt Nam, Băng la dét, Mexico…
Rõ ràng, với sự năng động vốn có, Việt Nam đã sớm có sự chuyển hướng tích cực khi lấy thị trường nội địa làm mục tiêu chiến lược. Đây không phải là giải pháp tình huống mà là hướng đi chiến lược lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam. Và rất mừng “nàng công chúa ngủ trong rừng” đã tỉnh giấc bởi sự đánh thức của chàng hoàng tử doanh nghiệp trong nước.