Công chức có được góp vốn thành lập doanh nghiệp?

Chia sẻ Zalo

Tôi là công chức nhưng muốn góp vốn cùng anh trai mình thành lập công ty TNHH hai thành viên do anh tôi làm giám đốc có được không?

Ngô Việt Tuấn, quận Tây Hồ, Hà Nội
Trả lời

Căn cứ vào Điều 18 Luật DN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015 thì tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam theo quy định, trừ trường hợp sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN;

c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong DN nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN khác;

d) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

đ) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập DN phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào DN để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Các đối tượng không được góp vốn vào DN theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Ngoài ra, theo Điều 19 Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2010 quy định cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 5 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài; cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Luật gia Phạm Thu Hương Hội Luật gia TP Hà Nội

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần