Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công chức sẽ được vay ưu đãi 300 triệu đồng xây, sửa nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến 28-2-2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 266.728 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31-12-2013.

Ngày 18-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo về tình hình tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Theo đó, đến 28-2-2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 266.728 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31-12-2013. Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị là 49.334 tỷ đồng, tăng 0,7% so với 31-12-2013 và chiếm tỷ trọng 18,5% so với tổng dư nợ.

Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản cho vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương của khách hàng vay là 67.479 tỷ đồng, tăng 0,4% so với 31-12-2013 và chiếm tỷ trọng 25,3% so với tổng dư nợ. Dư nợ cho vay mua quyền sử dụng đất là 16.924 tỷ đồng, tăng 7,5% so với 31-12-2013 và chiếm tỷ trọng 6,3% so với tổng dư nợ...

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 2-2014 là 3,6% (giảm so với tỷ lệ nợ xấu 3,38% tại thời điểm 31-12-2013), phù hợp với xu thế giảm của hàng tồn kho bất động sản. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến cuối tháng 2-2014, tổng giá trị tồn kho BĐS khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (giảm 1,87%) so với tháng 12-2013.

 
Các bộ thống nhất đề xuất Chính phủ nới rộng điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng
Các bộ thống nhất đề xuất Chính phủ nới rộng điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng.
Về kết quả cho vay hỗ trợ nhà ở, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến 31-3-2014, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với 3.537 khách hàng với tổng số tiền đạt 3.124 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở. Trong đó, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với 3.518 khách hàng cá nhân với số tiền là 1.334 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 3.495 khách hàng với dư nợ 840 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Ngân hàng Nhà nước đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nới một số điều kiện để được vay tiền gói 30.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thống nhất với Bộ Xây dựng đề xuất, cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng là đối tượng thu nhập thấp.

Cùng với đó, cho phép được cho vay trong gói 30.000 tỷ đối với các đối tượng khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà tối đa 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá) để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Đồng thời, kiến nghị bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở để đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản diễn ra sáng nay 18-4, Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất bổ sung đối tượng là các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 300 triệu đồng cũng như cho phép các đối tượng ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở trước ngày 7-1-2013 (ngày Nghị quyết 02/NQ-CP có hiệu lực) được vay trong gói hỗ trợ này.