Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công chúng của điêu khắc đang ở... đằng xa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 năm nhìn lại, điêu khắc Việt tự hào với không ít thành tựu, song vẫn không hết "ấm ức" trước vấn đề hưởng thụ tác phẩm của công chúng và việc nghệ sĩ chân chính không sống được bằng nghề.

Câu chuyện của 10 năm này lại tiếp tục rôm rả tại cuộc bàn tròn "Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc" diễn ra ngày 25/12 tại Bảo tàng Hà Nội.

 Công chúng không có nhu cầu

 Đánh giá "tình yêu" giữa công chúng Việt với điêu khắc, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành thừa nhận: Trong xu thế hội nhập, đô thị hóa nông thôn diễn ra hết sức nhanh chóng, nhưng sự hưởng thụ nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc của công chúng lại rất thiếu hụt. Nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ trong không gian đô thị văn minh hiện đại vẫn còn xa lạ với người dân. Nhiều công trình tượng đài, vườn tượng từ các trại điêu khắc, tác phẩm điêu khắc từ các cuộc triển lãm dường như bị lãng quên, chưa phát huy được hết vai trò giáo dục cảm thụ thẩm mỹ cho người dân.

 
Tác phẩm “Chuyện quê” của Kù Kao Khải, Ninh Bình đoạt giải Nhì tại triển lãm. Ảnh: Nguyễn Hoa
Tác phẩm “Chuyện quê” của Kù Kao Khải, Ninh Bình đoạt giải Nhì tại triển lãm. Ảnh: Nguyễn Hoa

Lý giải hiện tượng này, nhà nghiên cứu Mai Thu Vân cho rằng: "Mặc cho triển lãm được tổ chức công phu, nghệ sĩ tâm huyết, báo chí quan tâm… nhưng toàn người trong nghề đến xem với nhau. Cũng có một số rất ít người "ngoại đạo" đến lướt qua, song những người này thường là dân kiến trúc hoặc xây dựng. Như triển lãm 10 năm điêu khắc lần thứ V này (từ 11/12/2013 đến 5/1/2014), cũng chỉ một lượng nhỏ người đến xem vì tò mò".

 Tuy vậy, cần nhìn một cách thực tế, nếu không có nhu cầu thì không thể bắt ép công chúng đi xem tác phẩm điêu khắc. Hơn nữa, không gian sống của đại đa số các gia đình ở thành thị chật hẹp, nhu cầu làm đẹp không gian sống gần như chỉ có một vài mỗi năm, nên không mấy người "chơi" điêu khắc. Mặt khác, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến, xuất phát điểm của người mua tác phẩm điêu khắc chưa chắc đã bắt nguồn từ nhu cầu thưởng thức, có thể chỉ là xem có cái gì "hay hay mà rẻ" thì mua; hoặc "xem có gì bày được ở phòng khách hay bày tủ được" thì mua… Chính vì lẽ đó, tác phẩm điêu khắc vẫn cứ xa lạ với đời sống của người Việt.

 Nghệ sĩ không sống được bằng nghề

 Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, chính vì công chúng không có nhu cầu mua tác phẩm điêu khắc nên nghệ sĩ đích thực không sống được bằng nghề. Điều này còn khiến tình trạng sao chép trở nên phổ biến. "Không ít nhà điêu khắc từng làm ra những tác phẩm mang tính trang trí ứng dụng đẹp mắt, hữu ích, dễ "hút" khách, thì vừa ra gallery vài hôm đã thấy nhan nhản những sản phẩm na ná ở khắp mọi nơi. Thậm chí, chưa xuất xưởng đã trở thành đồ sản xuất hàng loạt với giá rẻ. Thực ra, đẹp hay "gần đẹp" chỉ người hiểu nghệ thuật mới biết, người mua nghệ thuật thấy giống nhau mà lại rẻ hơn nhiều thì tội gì mua của đắt. Vậy là nghệ sĩ khóc dở mếu dở" - nhà điêu khắc Ngô Tuấn Phong chia sẻ. Hẳn vì thế mà nghệ sĩ rút ra rằng, làm dạng tác phẩm trang trí, hợp với thị trường lớn thì dễ bị sao chép, chỉ những "đứa con" gai góc, không nịnh mắt thì mới giữ được bản quyền. Nhưng khổ nỗi, làm dạng tác phẩm tìm tòi mới lại không lọt mắt công chúng, không có thị trường. Loay hoay đi tìm chỗ đứng cho đồ thật là nguyên nhân khiến nghệ sĩ ngày càng xa rời khán giả và ngược lại.

 Điều đó đúng, nhưng không thấu đáo. Đã đến lúc, giới điêu khắc cần có sự nghiên cứu nghiêm túc để kéo ngắn sợi dây giữa "những đứa con tinh thần" của mình với khán giả.