Vì vậy, các chuyên gia đề xuất, quy hoạch đô thị sẽ là một công cụ đặc biệt cần thiết cho thích ứng khí hậu.
Các đô thị lớn vào cuộc
Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 - 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 31/12/2013. Theo đó, giai đoạn 1 của Đề án (2013 - 2015) thực hiện tại 6 đô thị lớn, gồm TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau. Giai đoạn 2 (2016 - 2020) thực hiện cho 35 đô thị; trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long, 11 đô thị thuộc 10 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Công việc mà các đô thị thực hiện để ứng phó với BĐKH gồm điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành trong giai đoạn 2013 - 2020; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của BĐKH; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ BĐKH.
TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau là những đô thị đầu tiên đã đề xuất các giải pháp ứng phó với BĐKH, với những công việc cụ thể: Hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị, xây hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Ngoài ra, các đô thị sẽ tập trung xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm quy mô lớn, khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư, di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro, phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chọi cao với gió bão.
Tích hợp vào công tác quy hoạch đô thị
Theo các chuyên gia, quy hoạch đô thị là một công cụ đặc biệt cần thiết cho thích ứng khí hậu, bởi các biện pháp thích ứng cần đến quản lý đất đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoặc các hệ sinh thái để giảm thiểu rủi ro khí hậu. Tiến sĩ Stephen Tyler - Cố vấn cao cấp của Viện Chuyển đổi Môi trường & Xã hội đánh giá, BĐKH đặc biệt có liên quan tới những quyết định quy hoạch. Cụ thể, việc chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang các mục đích sử dụng đô thị; việc lấp các khu đất ngập nước, hoặc xây dựng tuyến đê chính, cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt "cứng", và đầu tư vào các cơ sở hạ tầng bền vững lâu dài, như cấp nước, đường sá, thoát nước thải và nước mặt.
Theo TS Lưu Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường Đô thị nông thôn, đã đến lúc các đô thị cần phải giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng thông qua quy hoạch đô thị. "Chúng ta phải nhìn nhận lại phương pháp tiếp cận trong cách làm quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch chuyên ngành thoát nước nói riêng theo hướng đối phó với những yếu tố không chắc chắn trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng. Không những cố gắng giảm tần suất rủi ro, chúng ta còn phải thích nghi với rủi ro và giảm thiệt hại" - TS Lưu Đức Cường nhận định.
Quy hoạch đô thị hợp lý sẽ giúp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Đường Phạm Hùng bị ngập úng sau trận mưa hồi tháng 8/2013. Ảnh: Đức San
|
Theo kịch bản BĐKH được Bộ TN&MT công bố, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình tăng 2 - 30C và mực nước biển dâng lên 57 - 73cm, gây ngập lụt 39% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 2,5% tổng diện tích các tỉnh thành ven biển, 20% diện tích TP Hồ Chí Minh, 4% hệ thống giao thông. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m, sẽ có khoảng 40.000km2 vùng đồng bằng ven biển bị ngập úng hàng năm; 10% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và nền kinh tế sẽ chịu tổn thất bằng 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP) nếu không sớm có các giải pháp thích ứng với BĐKH. |