Cộng đồng ASEAN: Chỉ vững chắc khi mọi người dân trong khu vực ủng hộ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa kỷ niệm 44 năm ngày thành lập. 44 năm hòa bình và ổn định được duy trì tại một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới là thành tựu đáng tự hào của ASEAN.

Để tăng cường hợp tác và gắn kết, ASEAN đã quyết định đi xa hơn, vượt ra ngoài hình thức ban đầu của nó: Tạo ra một cộng đồng vững chắc dưới sự bảo trợ của Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC). Thời hạn ấn định cho việc thành lập hình thức hợp tác mới này là năm 2015. 

Nhà phân tích Yoes Kenawas thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, trong bài viết cho tờ Jakarta Post của Indonesia mới đây khẳng định rằng ASEAN sẽ chỉ có thể trở thành một cộng đồng thực sự và vững chắc nếu được mọi người dân trong khu vực ủng hộ và thực hiện. Nếu không, Cộng đồng ASEAN sẽ chỉ mang tính hình thức và là mong muốn của giới lãnh đạo. Điều này cho thấy sự cần thiết nâng cao nhận thức về ASEAN và tăng cường thu hút sự tham gia của mọi người dân trong khối tham gia vào tiến trình xây dựng này. 

Theo ông Kenawas, kế hoạch ASCC đã khẳng định một trong những mục tiêu là xây dựng bản sắc ASEAN. Điều này cũng có nghĩa là ASCC hướng tới mục đích thúc đẩy nhận thức và các giá trị chung trong ASEAN, cũng như để tạo ra một cảm giác thân thuộc, hiểu biết lẫn nhau, và bên nhau cho mọi người dân trong khu vực.

Bằng cách này ASEAN hy vọng mọi người dân trong khu vực sẽ hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Sự ủng hộ của người dân là một điều kiện tiên quyết quan trọng để có thể thiết lập được một mạng lưới vững chắc và hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN. Thiếu điều này, sự hợp tác sẽ chỉ dừng lại ở mức định hướng hay hình thức, bởi người dân sẽ không nhận thức được những lợi ích của việc hợp tác, dẫn đến thái độ bi quan và hoài nghi về hợp tác. 

Nói ngắn gọn là không có sự ủng hộ của người dân thì hợp tác giữa chính phủ các nước Đông Nam Á sẽ ít hiệu quả hơn, nếu không muốn nói là vô dụng. Một trong những cách để có được sự ủng hộ này là thông qua mối quan hệ giữa người dân và người dân, đem lại sự hỗ trợ mạnh mẽ cho chính phủ các nước ASEAN để xây dựng bất kỳ hình thức hợp tác tích cực nào. 

Thông qua tương tác, người dân các nước ASEAN có thể biết về nhau hơn, xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau, nhận thức tốt hơn về việc họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề chung, và cuối cùng tìm kiếm các giải pháp chung cho những vấn đề này.  

Một vấn đề quan trọng khác cần quan tâm là ở đâu chính phủ các nước ASEAN có thể đóng một vai trò then chốt thông qua hợp tác với nhau để tạo ra các chính sách hoặc các chương trình chung, được tất cả các nước thành viên chấp nhận và thực hiện, đảm bảo rằng chúng sẽ mang lại lợi ích cho mọi người dân trong khối. 

Ông Kenawas cho rằng sự tương tác thực tế giữa các công dân ASEAN chưa mạnh mẽ, cho dù đã có nhiều cuộc họp, chính sách, chương trình đã được thực hiện nhằm mục đích này. Ví dụ như Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thanh niên (AMMY), Ủy ban ASEAN về Phụ nữ, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, các chương trình của Quỹ ASEAN, Kế hoạch ASCC, miễn thị thực các chuyến thăm xã hội cho công dân các nước ASEAN (chưa phải đã được thực hiện ở tất cả các nước thành viên), và nhiều hình thức hợp tác khác. 

Về bản chất, chính phủ các nước ASEAN đang cố gắng hết sức để phục vụ các nhu cầu của người dân ASEAN. Tuy nhiên, hầu hết người dân Đông Nam Á vẫn không biết về các cuộc họp, chính sách và chương trình nói trên. Lý do là không có tin tức chuyên sâu về các vấn đề ASEAN, hoặc không có sự quảng bá, phổ biến mạnh mẽ và sâu rộng thông tin của chính phủ cho công chúng. 

Thời gian đến năm 2015 chỉ còn 4 năm, nên hơn bao giờ hết ASEAN cần phải tăng cường gắn kết xã hội giữa mọi người dân Đông Nam Á. Theo ông Kenawas, có thể thực thi một số giải pháp để thúc đẩy sự tương tác giữa người dân và người dân trong khu vực.

Đầu tiên, coi các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những kênh hiệu quả nhất để phổ biến thông tin, chính phủ các nước Đông Nam Á cần tập trung hơn vào những nỗ lực nắm bắt và tham gia với các phương tiện thông tin đại chúng ở các nước ASEAN. Như vậy, cần phải phát triển ngay các chương trình quan hệ truyền thông chuyên sâu, đổi mới và tích hợp. Sự gắn kết mạnh mẽ của truyền thông có thể khuyến khích các kênh truyền thông và cộng đồng báo chí thông tin nhiều hơn về ASEAN. 

Thứ hai, chính phủ các nước Đông Nam Á cần tăng số lượng các hoạt động, chẳng hạn như giao lưu thanh niên, các hoạt động của các tổ chức quần chúng xã hội, trao đổi giáo viên, giảng viên, tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo và các nhà hoạt động xã hội, trao đổi quan điểm giữa các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN… Những hoạt động như vậy cũng như các mạng lưới đã được xây dựng giữa những người tham gia trong khối cần được duy trì và thường xuyên xem xét, đánh giá.  

Thứ ba, chính phủ các nước Đông Nam Á cần hỗ trợ nhiều hơn cho những nỗ lực của khu vực tư nhân và phi chính phủ có thể giúp thúc đẩy sự tương tác của người dân trong khắp ASEAN. Nếu các chính phủ không thể hỗ trợ sự tương tác này về mặt tài chính, thì ít nhất cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp sự tiếp cận để đáp ứng nhu cầu hợp tác với các tổ chức đối tác giữa các nước thành viên ASEAN. 

Cuối cùng, các chính phủ ASEAN cần phải sử dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông để tạo ra sự hỗ trợ giữa mọi người dân trong khối. Những phương tiện truyền thông xã hội này có thể được sử dụng như các công cụ mạnh mẽ để giúp mọi người hiểu nhau hơn, trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, và tìm kiếm các giải pháp chung. 

Ông Kenawas kết luận: “ASEAN chỉ có thể thành lập một Cộng đồng ASEAN vững chắc với sự hỗ trợ của mọi người dân - những người cùng chia sẻ ý tưởng: Hãy suy nghĩ, cảm nhận và hành động ASEAN"./. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần