Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ đồng hành, tiếp sức cho DN

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 đã chính thức khai mạc sáng nay 4/12 tại Hà Nội. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là: “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu”.

 Toàn cảnh hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, DN đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua có những đóng góp quan trọng, đến nay có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam, khoảng 26 nghìn dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 326 tỷ USD, tổng vốn thực hiện trên 180 tỷ USD. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 20% GDP. Khu vực FDI đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng xuất khẩu, thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Tuy nhiên, việc thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài được Bộ trưởng nhìn thẳng là còn nhiều hạn chế cần tìm cách khắc phục. Đơn cử như việc liên kết và hiệu ứng lan toả năng suất từ FDI đến doanh nghiệp trong nước thấp, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chuyển giao công nghiệp vẫn ở mức thấp và hạn chế. Bối cảnh toàn cầu hoá và xu hướng công nghệ 4.0 sẽ là động lực cho sự phát triển DN, đồng thời tạo tiền đề để thay đổi tư duy quản lý của Chính phủ nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sáng tạo và mang lại tính cạnh tranh cao.
Giám đốc Quốc gia cấp cao tại Việt Nam của Tổ chức tài chính Quốc tế IFC Kyle F. Kelhofer chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy liên kết yếu thường là hậu quả của những vấn đề liên quan đến khả năng lan toả của đầu tư FDI và năng lực thẩm thấu của DN. Trong thời gian tới khi tham gia CPTPP và sắp tới là EVFTA, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước và thúc đẩy mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước để phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho các lĩnh vực xuất khẩu chế biến, nông nghiệp của Việt Nam.
Ông Kelhofer cho hay, trong thời gian tới dự kiến sẽ có nhiều sáng kiến được hình thành nhằm tạo dựng mối liên kết, tăng năng suất, tăng cường đổi mới mà mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các xu hướng toàn cầu (CM4.0- Tự động hoá, AI và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tái định hình các giá trị toàn cầu và cán cân thương mại. “Để tạo thuận lợi cho thành phần kinh tế tư nhân tham giá vào chuỗi giá trị toàn cầu, Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư cho kinh tế tư nhân”- đại diện IFC kiến nghị.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc trong bài phát biểu của mình cũng nhấn mạnh: Hội nhập và cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh. Cộng đồng DN đánh giá cao chương trình cải cách hành chính, những nỗ lực bước đầu trong xây dựng chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Tuy vậy kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Đại diện cộng đồng DN Việt Nam kiến nghị cần thúc đẩy việc thực thi một cách hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để tạo cơ hội tốt cho lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ FTA. Cần tiếp tục hỗ trợ tiếp sức cho cộng đồng DN, đặc biệt là cần rà soát loại bỏ các bất cập trong thực tiễn đang cản trợ các DN tận dụng các ưu đãi mở ra thông qua các FTA.
Kiến nghị tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính gắn với Chính phủ điện tử.
Ông Tomaso Andreatta - Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) đánh giá, Chính phủ Việt Nam đang thiết lập các chính sách tích cực cho các DN trong nước, tập trung vào giảm chi phí sản xuất và chất lượng để đảm bảo DN trong nước có tính cạnh tranh. Các giải pháp khác theo ông Tomaso là sẽ hướng dẫn các công ty lớn trong nước di chuyển ra khỏi bất động sản, tăng cường quản lý và đặt nền tảng cho các công ty trong các ngành công nghiệp hiện đại và công nghệ. VBF và các hiệp hội thành viên cam kết sẽ hợp tác với Chính phủ trong việc hoàn thiện và cải cách luật cũng như các quy định, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tạo đà phát triển cho các DN nói riêng.