Nhiều chuyên gia cho rằng, “phép thử” đầy mạo hiểm trên Biển Đông này của Trung Quốc không những đã thất bại mà còn khiến thế giới cảnh giác hơn trước những toan tính của Bắc Kinh.
Trong tấm bản đồ dạng đứng của Trung Quốc do nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam phát hành, xuất hiện “đường 10 đoạn”, vốn là biến tướng của bản đồ “đường 9 đoạn” trước đây mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền vô lý ở Biển Đông. Đường ranh giới biển trong tấm bản đồ mới này không chỉ “liếm” đến bờ biển của các nước như Brunei, Malaysia, Việt Nam mà còn ôm trọn cả những quần đảo Palawan cũng như Luzon của Philippines. Chiều 26/6, trong cuộc họp báo quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối bản đồ dọc mà Trung Quốc mới phát hành và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động làm leo thang căng thẳng này.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã chính thức lên án việc Trung Quốc phát hành bản đồ “đường 10 đoạn” là một tham vọng bành trướng đang gây căng thẳng ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định, việc phát hành tấm bản đồ này cho thấy tuyên bố bành trướng chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Hiện, chính phủ Philippines đang xem xét lập hồ sơ tiếp tục phản ứng về hành động này của Trung Quốc, đồng thời cho biết, “không một nước nào ở Đông Nam Á công nhận “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố trước đó. Vì thế, việc phát hành tấm bản đồ mới này cũng không thể biến những phần biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô lý ở Biển Đông trở thành lãnh thổ của mình.
Trong khi đó, tờ The Washington Post số ra ngày 27/6 có bài bình luận, “điểm “nổi bật” đầy khó chịu là “đường 10 đoạn” bao trùm lên Biển Đông chà đạp luật pháp quốc tế, vi phạm lãnh hải rất nhiều nước tại ASEAN”. Điều đáng nói là bản đồ “đường 10 đoạn” cũng cho thấy, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát. Các nhà quan sát hài hước bình luận rằng, ngoài “đường lưỡi bò”, bản đồ dọc là “cú ngoạm in rõ dấu răng” của Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ. Đặc biệt, bản đồ được công bố chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm Ấn Độ và Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đang ở Bắc Kinh tham dự các sự kiện kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Panchsheel, trong đó có 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động trên, trong khi Thủ hiến bang Arunachal Pradesh cho biết, sẽ yêu cầu Chính phủ can thiệp trong vụ này.
Hãng tin ABC News cũng nhận định, ngoài việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc còn đưa vật liệu xây dựng và trang thiết bị đến để xây dựng, mở rộng trái phép ở các bãi đá, bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và việc phát hành bản đồ dọc này đã làm “vẩn đục” các vùng biển ngoại giao trong khu vực. Với việc phát hành tấm bản đồ này, Bắc Kinh đang muốn đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông lên mức ngang bằng với các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Chỉ có điều, thông qua dư luận quốc tế, hai mục tiêu trên của Bắc Kinh rõ ràng đã thất bại và nếu nước này không nhanh chóng ngừng ngay những hành động leo thang căng thẳng, chấm dứt tuyên bố chủ quyền phi lý của mình, Trung Quốc sẽ “mất cả chì lẫn chài”.
Việc gây hấn của tàu hải giám của Trung Quốc trên Biển Đông bằng hành động đâm va tàu kiểm ngư của Việt Nam còn chưa chấm dứt, thì Trung Quốc lại đưa ra bản đồ “đường 10 đoạn” rất phi lý.
|