Công khai, minh bạch điều chỉnh giá bán điện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 luật: Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Công khai, minh bạch điều chỉnh giá bán điện - Ảnh 1

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, trong đó tiếp tục duy trì quan điểm thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Theo đó, Luật quy định, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Nhà nước thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng; hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Đồng thời, bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực.

Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo Luật, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.

Chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi),với 92,37% số đại biểu có mặt tán thành. Trong đó, đối tượng thành lập nhà xuất bản gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp ở Trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật. Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản, tuy nhiên chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.

Luật đã bổ sung một chương riêng về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, cập nhật hơn với sự phát triển công nghệ thông tin và hoạt động xuất bản điện tử trong nước cũng như trên thế giới hiện nay.

Phân loại doanh nghiệp áp dụng ân hạn thuế

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế với 92,57% số đại biểu có mặt tán thành. Luật giữ nguyên quy định hiện hành về ân hạn đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có phân loại doanh nghiệp để áp dụng ân hạn. Cụ thể: Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp khác phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác cũng bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật tài chính, ngăn chặn các hành vi chây ỳ, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư với 90,16% số đại biểu có mặt tán thành. Trong đó, Luật không cho phép viên chức là người đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư.

Được thông qua với số phiếu tán thành 94,58%, Luật Dự trữ quốc gia quy định các mặt hàng thuộc danh mục hàng dự trữ quốc gia chỉ lựa chọn những nhóm mặt hàng chiến lược, thiết yếu phục vụ an ninh, quốc phòng và tình trạng khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn). Bao gồm các nhóm hàng như: lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; vật tư thông dụng động viên công nghiệp; muối trắng; thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh…

Biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với số phiếu tán thành 87,55%, Quốc hội đã nhất trí: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Đồng thời, bổ sung thêm: Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.