Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công khai, minh bạch trong quá trình thanh tra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/11, Bộ TN&MT đã họp báo về công tác thanh tra TN&MT. Lĩnh vực đất đai ...

Kinhtedothi - Ngày 14/11, Bộ TN&MT đã họp báo về công tác thanh tra TN&MT. Lĩnh vực đất đai tiếp tục là tiêu điểm "nóng" trong công tác thanh tra, lẫn trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Phát hiện 190.428ha đất  sử dụng sai mục đích

Theo Bộ TN&MT, từ năm 2012 đến hết tháng 10/2013, thanh tra Bộ và các đơn vị trực thuộc đã triển khai 173 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 43 cuộc kiểm tra hành chính và 130 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước... Thu nộp ngân sách gần 71 tỷ đồng; xử phạt hành chính gần 28 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực đất đai, ngành đã triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện 190.428ha đất vi phạm, đã xử lý 105.037ha đất. Đồng thời, truy thu nộp ngân sách hơn 60 tỷ đồng, xử phạt hành chính gần 4 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) thừa nhận, có nhiều tổ chức vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tuy nhiên ngành gặp phải những khó khăn trong khâu xử lý. "Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đất đai hiện chưa đồng bộ, đặc biệt là việc thay đổi, bổ sung thường xuyên các nội dung liên quan đến nhiệm vụ quản lý đất đai. Chế tài xử lý vi phạm hành chính về đất đai còn nhẹ, chưa đủ mạnh nhằm hạn chế việc sử dụng đất sai mục đích. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu một số tổ chức vi phạm trong quản lý, sử dụng đất chưa cao, dẫn đến đất bị lấn chiếm, tranh chấp, bỏ hoang kéo dài, nhưng chưa được kiểm tra, xử lý. Nay những người đó đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc giao đất cho tổ chức khác sử dụng nên rất khó khăn trong việc xử lý trách nhiệm cá nhân, cũng như việc thu hồi đất vi phạm" - ông Lịch cho biết.

 
Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai quá trình thu hồi đất. Trong ảnh: Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Tú Chi
Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai quá trình thu hồi đất. Trong ảnh: Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Tú Chi
Kiên quyết xử lý sai phạm

Để giải quyết dứt điểm các sai phạm của các tổ chức sử dụng đất, Bộ TN&MT đưa ra các giải pháp: Đối với diện tích đất của các tổ chức đang cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật, UBND các tỉnh, TP phải kiên quyết thu hồi để giao cho các đối tượng khác có nhu cầu sử dụng. Đối với diện tích đất của các tổ chức kinh tế sử dụng không đúng mục đích, kiên quyết thu hồi đất, tài sản tổ chức đã đầu tư trên đất không được xem xét bồi thường, hỗ trợ. Tổ chức kinh tế có trách nhiệm di dời trả lại mặt bằng, trả quỹ đất cho Nhà nước quản lý và giao cho tổ chức khác có nhu cầu sử dụng đất đúng mục đích, hoặc giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất, UBND địa phương các cấp quản lý, sử dụng theo quy hoạch.

Đối với các tổ chức thực hiện dự án đầu tư chậm tiến độ do khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh giao trách nhiệm cho Sở KH&ĐT phối hợp Sở TN&MT nghiên cứu, xem xét nguyên nhân để đề xuất thời gian thực hiện, hoặc chấm dứt thực hiện đối với từng dự án cụ thể. Riêng đối với các dự án đầu tư do thiếu vốn hoặc vi phạm thời gian theo quy định, kiên quyết chấm dứt thực hiện dự án và lập thủ tục thu hồi đất, không gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trong những năm qua, công tác thanh tra của Bộ đã được tăng cường và được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra chủ yếu phòng ngừa, răn đe, vì vậy phải xây dựng được ý thức của người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đa các vi phạm. "Qua thanh, kiểm tra, có những địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, nhưng cũng có những nơi coi thường kỷ cương, không làm tốt. Trong khi, việc thu hồi đất những dự án chậm triển khai không đơn giản, vì mảnh đất đó đã được các tổ chức đầu tư hạ tầng. Hiện nay, các vụ việc chủ yếu xử lý hành chính, mà không xử lý hình sự, bởi chính sách có những vấn đề bất cập. Nhiều vụ việc chỉ mang tính chất định tính, chưa định lượng được, xem vụ việc đó thuộc khung xử lý hành chính hay hình sự, trong khi luật pháp còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể. Để giải quyết các tồn đọng, phải có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, nếu chỉ riêng ngành TN&MT, rất khó giải quyết triệt để" - ông Hiển thừa nhận.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho hay, việc thanh, kiểm tra quá nhiều cũng gây phiền hà, ảnh hướng tới công việc của các tổ chức. Tới đây, Bộ TN&MT chủ trương thanh tra công khai, minh bạch theo chương trình, kế hoạch được thông báo trước. Tuy nhiên, có những vụ việc phải kiểm tra đột xuất, nhưng sẽ hạn chế tối đa.

 
Từ năm 2012 đến hết tháng 10/2013, Bộ TN&MT đã tiếp nhận 7.554 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đơn thư chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai với 7.361 lượt đơn (chiếm 97,45%); các lĩnh vực còn lại 193 đơn (chiếm 2,55%). Trong đó có 4.521 đơn trùng, không đủ điều kiện xử lý; số đơn phải xử lý 2.840 đơn.