Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công khai nợ xấu: Tiền sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 35/2011/NHNN, hướng dẫn công bố và cung cấp thông tin, trong đó đáng chú ý là việc công khai nợ xấu các ngân hàng.

Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc minh bạch hóa thông tin ngân hàng và sẽ mang lại lợi ích cho cả người gửi tiền lẫn các ngân hàng.
 
Lợi ích của sự minh bạch
 

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình minh bạch hoá thông tin về hoạt động ngân hàng. Trong đó, vấn đề công khai tỷ lệ nợ xấu là rất cần thiết và có lợi cho người gửi tiền bởi họ sẽ biết rõ ngân hàng nào tốt, xấu để có thể đặt niềm tin. Các ngân hàng cũng sẽ có lợi, vì yêu cầu này buộc họ phải bằng cách này hay cách khác nâng cao hiệu quả hoạt động, cố gắng lấy lòng tin của người gửi tiền.

Một vị lãnh đạo ngân hàng TMCP có trụ sở tại Hà Nội cũng đánh giá cao những quy định mới này của NHNN. Vị này cho biết: "Thật ra, không có ngân hàng nào lại muốn công khai những khoản nợ xấu của mình. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thị trường thường xuất hiện những tin đồn không chính xác nên nhiều khi các ngân hàng có "sức khỏe" tài chính yếu lại được hưởng lợi nhiều, được người dân lựa chọn. Trong khi đó, ngân hàng có "sức khỏe" tài chính tốt thì chịu thiệt. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là hình thức cạnh tranh giữa các ngân hàng một cách lành mạnh, có lợi cho người gửi tiền và thị trường tiền tệ".

Vị lãnh đạo ngân hàng này còn lạc quan cho rằng: Khi người dân có thêm lòng tin vào các ngân hàng, thấy được gửi tiền ở các ngân hàng mình chọn lựa là an toàn, tôi tin rằng, tiền trong dân sẽ càng chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang quan tâm đến những yếu kém của ngành ngân hàng và sự cần thiết phải tái cấu trúc. Thực tế, hiện nay nhiều người có tiền nhưng lại chọn mua vàng, mua USD vì họ không biết chọn ngân hàng nào trong số hàng trăm ngân hàng hiện nay để gửi".

Nỗi lo "làm đẹp" con số

Các chuyên gia kinh tế lo ngại, việc công khai thông tin rất có thể gây sự mất tin tưởng của người dân vào một hoặc một vài ngân hàng. Từ đó, có thể dẫn tới tình trạng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng này. Các chuyên gia cho rằng, NHNN cần chú ý đến những ngân hàng này tránh sự đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.

Một vấn đề khác, các chuyên gia kinh tế lo ngại tới tình trạng các ngân hàng vì muốn "làm đẹp" con số công bố để thu hút khách hàng mà có thể dẫn đến gian lận, công bố thông tin không chính xác theo hướng có lợi cho mình.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc công bố thông tin sai sự thật là sự lừa dối khách hàng, gây nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng. "Do vậy,  thông tin trước khi công bố, cần được kiểm soát chặt chẽ. Trước hết, những thông tin ngân hàng cần  qua "cửa" của kiểm toán độc lập, sau đó mới chuyển đến NHNN công bố. Thứ hai, NHNN cũng cần quy định mức tiêu chuẩn xác định nợ xấu thống nhất cho tất cả các ngân hàng. Tránh tình trạng mỗi ngân hàng công bố một kiểu. Thứ ba, NHNN thường xuyên thanh tra, kiểm tra các ngân hàng".

Theo ông Hiếu, Quốc hội hiện nay đang thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi và ông mong muốn dự án Luật này được Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi  người gửi tiền. "Ngoài ra, bảo hiểm tiền gửi cũng giúp người gửi tiền yên tâm hơn nếu các ngân hàng công bố thông tin sai lệch. Khi thấy các ngân hàng có vấn đề, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ vào cuộc vì suy cho cùng nếu ngân hàng đổ vỡ, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là người phải chịu rủi ro. Do vậy, có thêm sự giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, hoạt động ngân hàng sẽ càng thêm minh bạch" - ông Hiếu nhận định.