Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Năng lượng cần đi trước một bước

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng: "Để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước, năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội”.

 Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển.
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội năng lượng Việt Nam đồng tổ chức vào chiều ngày 10/11, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, chủ trương, đường lối về đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã được Việt Nam quan tâm, thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Qua 35 năm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đất nước ta đã có bước chuyển đổi sâu sắc.
Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia và thực hiện chủ trương năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xác định phát triển năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình CNH, HĐH.
Trong thời gian qua, phát triển năng lượng nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện; sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá.
Tổng cung năng lượng sơ cấp năm 2019 đạt 96,228 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng trung bình khoảng 9% năm; tỷ lệ tiêu thụ điện trên tổng tiêu thụ năng lượng ở mức 22,9% vào năm 2015 tăng lên 26,8% vào năm 2019; tiêu thụ năng lượng trên đầu người từ 577,5 kilôgam dầu quy đổi (KgOE) vào năm 2015 tăng lên 688,2 kilôgam dầu quy đổi (KgOE) vào năm 2019.
Kèm theo sự gia tăng sản xuất và tiêu thụ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, tổng phát thải khí CO2 cũng gia tăng nhanh chóng, phát thải khí CO2 bình quân đầu người hàng năm ở mức 1,96 tấn năm 2015 đã tăng lên 2,95 tấn vào năm 2019; phát thải năng lượng trên USD GDP tăng từ 1,4 kilôgam dầu quy đổi (KgOE) năm 2015 lên 1,8 kilôgam dầu quy đổi (KgOE) năm 2019.
 Khai thác tối đa nguồn năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hiển chỉ ra, các phân tích, đánh giá hiện nay cho thấy, an ninh năng lượng của nước ta chưa thực sự đảm bảo vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hoá thạch. Ngoài ra, mô hình phát triển năng lượng với cơ cấu các nguồn năng lượng truyền thống, hoá thạch chiếm tỷ lệ cao đã và đang gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường và việc sử dụng năng lượng ở nước ta trong thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng những nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo ở nước mình trên cơ sở lợi thế so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống và nhập khẩu; xây dựng chính sách ưu tiên phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch gắn với những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu; đồng thời tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để phát triển năng lượng nhanh, bền vững…
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng. Do đó, việc sớm xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Trong đó, cần chú trọng tới công nghệ năng lượng mới, năng lượng xanh và tái tạo, gắn kết chặt chẽ Chương trình này với kế hoạch xây dựng quy định về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phải có nhiệm vụ giải pháp về phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới; chú trọng nghiên cứu, quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế và cơ chế ưu đãi, để thúc đẩy phát triển những trung tâm năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát huy thế mạnh cạnh tranh.