Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp tái chế vẫn chờ cơ chế

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các phế liệu, chất thải trong sản xuất, sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng có thể tạo ra hơn 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2025.

Mỗi năm các DN Việt Nam sẽ lãng phí hàng tỷ đồng nếu chưa biết tận dụng nguồn lợi khổng lồ từ chất thải.

Nhập khẩu phế liệu tràn lan

Theo PGS.TS Huỳnh Trung Hải (ĐH Bách Khoa Hà Nội), khoảng 85% trong số 31.600 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ở khu vực đô thị được thu gom. Trong khi ở nông thôn là 14.200 tấn nhưng chỉ 40 – 50% được thu gom. Như vậy trung bình chỉ có khoảng 60% lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên cả nước.
Phân loại chất thải rắn tại Nhà máy xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Quỳnh Anh
Phân loại chất thải rắn tại Nhà máy xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Quỳnh Anh
Đáng chú ý, cả nước hiện chỉ có 35 dây chuyền xử lý chất thải sinh hoạt đô thị, với tổng công suất 6.500 tấn/ngày. Cũng theo ông Hải, quy mô của các cơ sở tái chế còn nhỏ nên hiệu quả tái chế bị hạn chế. Đây là sự lãng phí lớn, bởi theo số liệu thống kê trong cả nước có khoảng 15 - 20% tổng lượng chất thải rắn là có thể được tái sử dụng. Trong khi chưa tận dụng hết từ chất thải sẵn có trong nước, thì nhiều ngành công nghiệp đang phải nhập khẩu nguồn phế liệu. Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, gần 70% sản lượng giấy hiện nay được sản xuất từ nguyên liệu tái chế. Nhu cầu giấy trong nước đạt gần 3 triệu tấn/năm, nhưng chỉ có khoảng 60% là sản xuất trong nước. Với ngành công nghiệp nhựa, hàng năm cần từ 2 - 2,5 triệu tấn nguyên liệu nhựa nhập khẩu, trong đó phế liệu nhựa chiếm trên 80%. Tương tự, thép phế liệu trong nước đến nay chỉ cung cấp được trung bình 30% cho yêu cầu tái chế, còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài.

Ngành công nghiệp tái chế đang có tiềm năng rất lớn nhưng đáng tiếc là nhiều thiết bị, máy móc, dây chuyền tái chế của Việt Nam hiện còn lạc hậu dẫn đến hiệu quả không cao. Hoạt động tái chế lại không có sự tham gia của ngành công nghiệp phụ trợ.

Tiềm năng sinh lời

Thực tế cho thấy đã có rất nhiều sáng kiến và công nghệ giúp chuyển đổi vật phẩm vốn được coi là chất thải thành các sản phẩm và dịch vụ mới. Ông Sasama Tomoyuki - Tổng Giám đốc Công ty Dow tại Việt Nam cho hay, với chương trình thí điểm Túi năng lượng ở TP Citrus Heights, bang California (Mỹ), Dow đã giúp chuyển đổi 6.000 poud nhựa thải vốn chưa từng được tái chế trước đây như túi nước trái cây, giấy gói kẹo và đồ chứa thức ăn bằng nhựa thành 512 gallon nhiêu liệu.

Tại Việt Nam, một số DN đã bắt đầu quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ và sử dụng nguyên liệu tái chế nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và giảm nguy cơ ô nhiễm. Là DN đang rất thành công với việc phát triển công nghệ khí sinh học, ông Ngô Duy Đông – Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ Khí sinh học Môi trường xanh đã không ngại chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi từ sản xuất bể biogas bằng nhựa composite sang sử dụng nhựa tái sinh. Ưu điểm của bể biogas sử dụng nguyên liệu nhựa tái sinh là sẵn có, rẻ tiền, quy trình sản xuất không gây ô nhiễm, dễ lắp đặt, vận chuyển và giá thành phù hợp với mức đầu tư của người dân... Sản phẩm có giá thành chỉ bằng 60% bể composite, và thấp hơn 10% so với bể xây bằng gạch. Tuy nhiên vấn đề ở đây là cơ chế để khuyến khích các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đại diện Công ty Nhiệt điện Mông Dương đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có định hướng, quy định rõ ràng về “chất thải” để tạo điều kiện cho DN đầu tư công nghệ tái chế. Hiện các phế liệu như xỉ, thạch cao đang được công ty nghiên cứu để làm phụ gia sản xuất xi măng, gạch không nung… “Tuy nhiên, DN chỉ có giấy phép kinh doanh về điện, vậy cơ chế nào để chúng tôi kinh doanh vật liệu xây dựng tái chế?” – trăn trở của đại diện Công ty Mông Dương cũng là vấn đề được nhiều DN quan tâm và mong chờ có chủ trương phù hợp trong thời gian tới.
Các DN vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ thế nào là sản xuất thân thiện. Để tiếp cận vấn đề này cần loại bỏ tư duy kinh doanh sản xuất, sử dụng và loại bỏ những lãng phí và thiếu bền vững.
Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh