KTĐT - Tỷ lệ nhóm công nhân thường xuyên tiếp xúc chất chlor B bị viêm mũi xoang cao hơn gấp 3,24 lần so với nhóm công nhân không tiếp xúc. Người lao động có tiếp xúc thường xuyên chất chlor B tuổi càng trẻ càng có nguy cơ mắc bệnh hơn.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Lao động môi trường Cần Thơ thì khoảng 30% công nhân chế biến thủy hải sản bị bệnh viêm mũi xoang do phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất khử trùng chloramine B.
Tại TP.Cần Thơ, ngành chế biến thủy hải sản có 29 công ty và có khoảng 38.000 lao động. Tất cả các công nhân đều được trang bị đồng phục như quần áo, khẩu trang, nón, ủng, găng tay. Tuy nhiên, khẩu trang vải không có tác dụng ngăn mùi hóa chất.
Theo ông Phạm Văn Chính (đại diện BV Tai Mũi Họng Cần Thơ) cho biết, chất chloramine B (chlor B) là chất oxy hóa mạnh có khả năng khử trùng tốt, giá rẻ nên thường được sử dụng khử trùng trong các nhà xưởng và dụng cụ chế biến thủy hải sản. Chất chlor B có thể gây viêm phế quản, phá hủy đường hô hấp trên với các biểu hiện hay kích thích như hắt hơi, chảy mũi nước, chảy nước mắt.
Khảo sát nghiên cứu nhóm công nhân làm việc tại Công ty chế biến thủy hải sản Nam Hải trong môi trường có sự hiện diện của chất chlor B và nhóm công nhân Công ty chế biến thủy hải sản đóng hộp Pataya trong môi trường không có chất chlor B, kết quả cho thấy: tỷ suất mới mắc bệnh viêm mũi xoang ở nhóm công nhân Công ty Nam Hải là 71%; còn ở nhóm công nhân Pataya là 22%.
Ông Chính cho rằng, tỷ lệ nhóm công nhân thường xuyên tiếp xúc chất chlor B bị viêm mũi xoang cao hơn gấp 3,24 lần so với nhóm công nhân không tiếp xúc. Người lao động có tiếp xúc thường xuyên chất chlor B tuổi càng trẻ càng có nguy cơ mắc bệnh hơn.
Theo ông Chính, để giảm phần nào tác hại của chất chlor B đối với các công nhân thì các công ty nên thay chất chlor B bằng chất chlorine ít độc hại hơn; tăng lưu thông khí tại nhà xưởng để giảm mùi khí chlor B; sắp xếp cho công nhân nghỉ ngơi phải ra ngoài nhà xưởng; nghiên cứu mua loại khẩu trang có hiệu quả ngăn mùi hóa chất để trang bị cho người lao động; ngành Y tế, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Lao động và Môi trường cần tăng cường giám sát và hỗ trợ cho người lao động.