Trong bối cảnh môi trường đối ngoại ngày càng phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân năm 2012 tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả.
Năm 2012 là năm Việt Nam triển khai mạnh mẽ, toàn diện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI. Trong năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội XI, công tác đối ngoại tập trung vào các nhiệm vụ chính: Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng; Triển khai chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; Coi trọng phát huy vai trò trong ASEAN; Phối hợp chặt chẽ với quốc phòng - an ninh trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Về song phương, trong năm 2012 Việt Nam đã trao đổi nhiều chuyến thăm, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao với các nước láng giềng, khu vực, đối tác lớn, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng, đồng thời nâng tầm quan hệ với một số đối tác ưu tiên, quan trọng. Điểm sáng nhất trong công tác đối ngoại năm 2012 là việc triển khai mạnh mẽ cả trên diện rộng và chiều sâu hiệu quả của các hoạt động đối ngoại lớn của Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước. Tính đến cuối tháng 12/2012, đã có 16 đoàn Lãnh đạo Cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thăm các nước và dự các Hội nghị quốc tế, 30 đoàn Lãnh đạo Cấp cao các nước đến thăm Việt Nam, nâng số Đoàn trao đổi giữa Việt Nam và các nước trong năm 2012 tăng gấp gần 5 lần so với năm 2011. Nhiều nước thể hiện mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam cho thấy vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng LB Nga D.Mét-vê-đép thăm chính thức Việt Nam (tháng 11/2012) (Ảnh: Mạnh Hùng)
Trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt - Lào và Năm Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia 2012, quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia tiếp tục được củng cố và thúc đẩy mạnh mẽ. Quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng đánh dấu mốc son 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là việc trao đổi 5 Đoàn cấp cao của các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hai nước.
Với Cam-pu-chia, việc trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai nước và tăng cường hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương của hai nước trong năm 2012 và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và năm Chủ tịch ASEAN của Cam-pu-chia được chủ động thúc đẩy. Hai nước đã trao đổi 7 Đoàn cấp cao của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Cam-pu-chia, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm cấp Nhà nước của Quốc vương N. Xi-ha-mô-ni tới Việt Nam vào tháng 9 năm 2012; Chủ tịch QH Heng Xom-rin thăm hữu nghị chính thức (7/2012). Đặc biệt, Lãnh đạo cấp cao hai nước cùng chủ trì nhiều sự kiện quan trọng trong đó: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Hun Xen dự khánh thành Khu di tích lịch sử Đoàn 125 tại Đồng Nai, dự Lễ cắm mốc 314 và dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Cam-pu-chia lần thứ 3 tại Kiên Giang (6/2012).
Trong khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hai nước tích cực triển khai những thoả thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2011) và chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2011). Đặc biệt, trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo hai nước đã trao đổi về các biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đồng thời tìm phương hướng giải quyết những vấn đề tồn tại, trong đó có vấn đề Biển Đông, không để những vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch phát triển tương đối ổn định. Sau khi Đại hội Đảng 18 của Trung Quốc thành công tốt đẹp, Việt Nam và Trung Quốc đã trao đổi Đặc phái viên chúc mừng và thông báo cho nhau kết quả Đại hội, khẳng định quyết tâm củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Trong năm 2012, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước ASEAN khác tiếp tục được tăng cường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Xinh-ga-po (9/2012); Hai bên đã thỏa thuận sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Xinh-ga-po năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Bru-nây và Mi-an-ma (27/11-1/12). Việt Nam đã đón Tổng thống Mi-an-ma Thên Sên (20-21/3), Tổng thống Xinh-ga-po Tôni Tan Keng (23-27/4), Chủ tịch Quốc hội Mi-an-ma Khin Aung Myint thăm Việt Nam. Hợp tác đảng giữa Việt Nam với các nước ASEAN cũng được thúc đẩy; Việt Nam nhất trí với Thái Lan về việc hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược chủ chốt tiếp tục được thúc đẩy theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững. Với Liên bang Nga, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2012), hai bên nhất trí đưa quan hệ hợp tác Việt - Nga lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Việt Nam đón Thủ tướng Mét-vê-đép thăm chính thức (11/2012). Trong đó, đáng chú ý là việc Tổng thống Pu-tin ra Sắc lệnh “Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại” (5/2012), trong đó khẳng định Việt Nam là một trong 3 đối tác chiến lược quan trọng nhất của Liên bang Nga ở Châu Á – Thái Bình Dương (Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam) cho thấy tầm quan trọng và tính bền vững của quan hệ Việt Nam - LB Nga. Hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam – LB Nga phát triển tốt. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 20 (9/2012), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pu-tin đã nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt trong vùng Viễn Đông của Nga và trên các lĩnh vực khai khoáng, chế biến gỗ, may mặc, thủy sản, giáo dục đào tạo... Hai bên đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, tích cực triển khai thực hiện Danh mục ưu tiên 2012 và phối hợp tốt cùng xử lý các vấn đề về bảo hộ công dân hai nước. Nga cam kết tiếp tục hợp tác dầu khí với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trong năm 2012, Việt Nam và Nhật Bản trao đổi nhiều đoàn các cấp và tập trung vào các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư - ODA đạt những kết quả nổi bật. Đáng chú ý, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Hai bên đang thảo luận lập công ty cổ phần và hoàn thiện báo cáo khả thi về khai thác đất hiếm, hai nước đang đàm phán sơ bộ về vấn đề tín dụng cho dự án điện hạt nhân. Trong năm 2012, Nhật Bản tiếp tục là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum-ma-li Xay-nha-xỏn thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (tháng 12/2012) (Ảnh: Mạnh Hùng)
Với Hàn Quốc, quan hệ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, đầu tư và hợp tác quốc phòng-an ninh được thúc đẩy. Hai nước phối hợp chặt chẽ triển khai các chương trình kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đã khởi động đàm phán FTA Việt Nam - Hàn Quốc.
Trong năm 2012, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển với việc hai nước gia tăng hợp tác khoa học công nghệ và quốc phòng, triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (7/1/1972-7/1/2012), 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (7/2007-7/2012) giữa Việt Nam và Ấn Độ và kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Ấn Độ - ASEAN.
Quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển thực chất trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, khoa học công nghệ và hợp tác nhân đạo trong vấn đề nạn nhân chất độc dam cam/đi-ô-xin. Trao đổi đoàn giữa hai nước gia tăng. Mỹ cử nhiều đoàn quan chức cấp cao của chính quyền và Quốc hội thăm Việt Nam. Quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tốt. Bên cạnh mặt hợp tác, Việt Nam tiếp tục đấu tranh với Mỹ trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và tôn giáo cũng như đối với việc Mỹ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam - EU tiếp tục được thúc đẩy. EU coi trọng vị trí của Việt Nam và đề nghị Việt Nam ủng hộ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược EU - ASEAN. Hai bên đã chính thức ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA ngày 27/6), chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (26/6). Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại EU thăm Việt Nam và tiến hành Đối thoại chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao EU - Việt Nam lần đầu tiên. Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các đối tác hàng đầu trong EU như Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a được đẩy mạnh. Tổng thống CH Áo Heinz Fischer thăm chính thức Việt Nam (29-3-1/5) nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1/12/1972 - 1/12/2012) là mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm EU, Bỉ, và Lúc-xem-bua (26-29/6). Với CHLB Đức, hai bên tích cực triển khai những thỏa thuận trong Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Đức (9/2012), họp nhóm điều hành chiến lược cấp thứ trưởng ngoại giao lần 1.
Với CH Pháp, trong năm 2012, hai nước tổ chức thành công đối thoại chiến lược Việt - Pháp lần thứ 5. Sau chuyến thăm chính thức nước CH Pháp của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 6/2005, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí khuôn khổ quan hệ giữa hai nước là “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy trong thế kỷ 21”. Từ đó đến nay, quan hệ Việt- Pháp tiếp tục phát triển đều trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, quốc phòng, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, đào tạo.... Hai nước thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các đoàn cấp cao, duy trì cơ chế đối thoại chiến lược về các vấn đề đối ngoại và quốc phòng, cũng như cơ chế tham khảo chính trị về quan hệ song phương giữa hai nước.
Trong năm 2012, Ngoại trưởng Anh William Hague thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 17 năm. Việt Nam và Vương quốc Anh khẳng định lại mục tiêu đã nêu trong Thoả thuận đối tác chiến lược mà hai nước đã ký kết trong năm 2010, đó là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 4 tỷ USD và nâng vốn đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam lên 3 tỷ USD vào năm 2013, năm đánh dấu tròn 40 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - I-ta-li-a có những phát triển tích cực, I-ta-li-a tuyên bố công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nhân 40 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước.
Trong năm 2012, công tác đối ngoại cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Châu Á, Đông Âu, Trung Đông - Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh với việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao và có nội dung hợp tác thiết thực. Trong đó nổi bật là Việt Nam và Cu-ba trao đổi nhiều đoàn các cấp, đặc biệt và đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (8-10/4) thăm Cu-ba và Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (8-9/7) thăm chính thức Việt Nam.
Quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước SNG tiếp tục được củng cố. Trong đó nổi bật có chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Ca-dắc-xtan (9/2012), trong chuyến thăm này hai bên trao đổi nhiều biện pháp thúc đẩy thương mại, hợp tác khoa học - kỹ thuật, năng lượng, khai thác dầu khí.
Trong năm 2012, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Việt Nam - Mỹ La -tinh về Thương mại và Đầu tư (5-6/7), góp phần tạo động lực cho hợp tác giữa Việt Nam với các nước Mỹ La-tinh. Lần đầu tiên, trong năm 2012 đã có 13 đoàn Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng các nước khu vực Mỹ La-tinh và Trung Mỹ đến thăm Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/10 – 2/11/2012 (Ảnh: Mạnh Hùng)
Ngoại giao đa phương được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã tham gia, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng các văn kiện, các nội dung ưu tiên của Hội nghị Cấp cao ASEAN, nhất là lộ trình xây dựng Cộng đồng đến 2015. Đặc biệt, trước khi bàn giao lại vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc cho Thái Lan, Việt Nam đã chủ động cùng các nước ASEAN tích cực thúc đẩy hoàn thành tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC); thống nhất phương thức sử dụng văn bản này làm cơ sở để ASEAN trao đổi với Trung Quốc về nội dung COC. Tại các Hội nghị Cấp cao và cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam tích cực đóng góp vào việc phát huy vai trò của ASEAN và thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và các đối tác; khẳng định lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông, và lợi ích giữa Việt Nam và một số nước ASEAN khác về quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Ngoại giao đa phương có bước chuyển về chất với bước tiến từ việc gia nhập, tham gia đến “văn hóa thực thi” Việt Nam luôn coi trọng việc chủ động, tích cực đóng góp thực chất và đưa sáng kiến tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Tại Hội nghị cấp cao APEC-20 và Hội nghị Thượng đỉnh ASEM-9, những đề xuất và sáng kiến của Việt Nam được các nước thành viên ủng hộ, đưa vào văn kiện cuối cùng của Hội nghị. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử tham gia ASEAN, ứng cử viên do Việt Nam giới thiệu sẽ đảm nhận vai trò Tổng Thư ký ASEAN (nhiệm kỳ 2013-2017). Việc vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử vào một số cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), HĐBA (2020-2021) và ECOSOC (nhiệm kỳ 2016-2018) được đẩy mạnh và đã đạt một số kết quả quan trọng.
Năm 2012, mặc dù các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn, song kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác quan trọng đều tăng (kim ngạch thương mại 10 tháng năm 2012 với Trung Quốc 17,4%, với Hoa Kỳ 15%). Đáng chú ý, mặc dù các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn, song kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác quan trọng đều tăng, việc thực hiện vốn FDI và huy động ODA đạt kết quả khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2011, đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu trong năm 2012 (lần đầu tiên từ năm 1993). Trong năm 2012, Việt Nam đã thu hút được 7,4 tỷ USD vốn ODA; vốn FDI thực hiện trong 11 tháng đầu năm ước đạt 10 tỷ USD, bằng 99,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong năm 2012 Việt Nam đã tham gia 5 Phiên đàm phán FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan, khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA); hoàn thành Chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do đến năm 2020.
Việc vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam đạt kết quả tốt, đến nay đã có 34 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó có các nước phát triển như Nhật, I-ta-li-a, 4 nước EFTA. Trong năm 2012, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại, quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu, du lịch, thu hút FDI, ODA, giải quyết các vấn đề tranh chấp nảy sinh trong quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác.
Công tác biên giới lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông luôn được coi trọng, xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền và các lợi ích của đất nước. Trong năm 2012 công tác biên giới, lãnh thổ tiếp tục được thúc đẩy: công tác phân giới cắm mốc với Cam-pu-chia, với Lào và hợp tác với Trung Quốc trong việc triển khai quản lý hiệu quả biên giới trên bộ theo các hiệp định đã ký kết. Kịp thời đấu tranh ngoại giao kiên quyết với những hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta trên Biển Đông, đồng thời chủ động thông tin, tuyên truyền để các nước và dư luận quốc tế hiểu và ủng hộ đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Biển, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo và các lợi ích chiến lược của đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta coi trọng thúc đẩy các biện pháp hợp tác xây dựng lòng tin, hướng tới giải quyết thỏa đáng các vấn đề tồn tại với các nước liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, thúc đẩy hơn nữa xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu-ba (7/2012). (Ảnh: Mạnh Hùng)
Trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và tôn giáo, trên bình diện song phương, trong năm 2012, Việt Nam đã tổ chức đối thọai nhân quyền với nhiều đối tác quan trọng như: EU, Úc, Thụy Sĩ, Na Uy, Mỹ; tổ chức cuộc họp Vòng 2 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Va-ti-căng và đón Đặc Phái viên không thường trú của Va-ti-căng thăm Việt Nam; đấu tranh, ngăn chặn một số thế lực ở Mỹ muốn đưa Việt Nam trở lại Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cùng các nước ASEAN xây dựng và thông qua (18/11) Tuyên bố Nhân quyền đầu tiên của ASEAN (AHRD) với nội dung tương đối bao quát, khẳng định được các giá trị nhân quyền phổ quát, phản ảnh được các giá trị của ASEAN cũng như đặc thù của khu vực.
Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại được triển khai mạnh mẽ với trọng tâm là đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh bác bỏ những quan điểm, thông tin sai trái về Việt Nam và quảng bá hình ảnh đất nước ta trên thế giới, tạo đồng thuận trong xã hội trong quan hệ đối ngoại.
Năm 2012, công tác Ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh tập trung vào việc xây dựng Kế hoạch Hành động của Bộ Ngoại giao nhằm triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020; chú trọng làm phong phú các nội dung về các hoạt động với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống trong dịp kỷ niệm Năm Hữu nghị 2012 với Lào, Cam-pu-chia, Ấn Độ, Hàn Quốc... Việt Nam cùng UNESCO tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày UNESCO thông qua “Công ước bảo vệ Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới” (1972-2012). Năm 2012, Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận một số di sản của Việt Nam như Thành nhà Hồ tại Thanh Hóa, Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; tiếp tục vận động UNESCO công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa thế giới... Việt Nam cũng đã tổ chức thành công cho Ngoại giao Đoàn tham dự Festival Hoa Đà Lạt và các chương trình văn hóa đặc sắc dịp Tết Nhâm Thìn.
Năm 2012, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đạt những kết quả tích cực. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị tiếp tục được cụ thể hóa bằng các chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào, quan tâm hỗ trợ kiều bào, nhất là ở các địa bàn khó khăn, đồng thời tranh thủ và huy động kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài các hoạt động thông lệ hàng năm “Xuân Quê hương 2012”, đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Giỗ tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam cho thanh thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài...); tổ chức đoàn kiều bào cùng đại diện 6 tôn giáo đi thăm Trường Sa và nhà dàn DKI nhân dịp kỷ niệm 37 năm giải phóng quần đảo Trường Sa; tổ chức thành công Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 (9/2012).
Công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được coi trọng. Năm 2012 Việt Nam đã kịp thời phối hợp với các nước cứu nạn nhiều vụ tàu cá của Việt Nam hoặc của nước ngoài có công dân Việt Nam gặp nạn trên biển; khẩn trương, tích cực giao thiệp với các nước liên quan xử lý các vụ tàu cá của các địa phương gặp nạn hoặc bị bắt giữ; phối hợp nhanh và hiệu quả với cơ quan chức năng của Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xia, Bru-nây, Nga... để bảo vệ quyền lợi của công dân, lao động Việt Nam gặp khó khăn tại các nước bạn. Ngoài ra, công tác bảo hộ công dân đã tham gia giải quyết các vụ kiện tranh chấp kinh tế quốc tế liên quan đến các công ty và lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Trong năm 2012, hoạt động đối ngoại Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó có việc tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với các Đảng Cộng sản, đảng cần quyền góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Đảng ta với các đối tác. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cu-ba (4/2012) và Xinh-ga-po (9/2012), Đảng ta ký thỏa thuận tăng cường hợp tác với Đảng Cộng sản Cu-ba và trao đổi nhiều biện pháp xây dựng Đảng, công tác lãnh đạo và đào tạo cán bộ với đảng Hành động Nhân dân Xinh-ga-po (PAP). Hợp tác đảng giữa Việt Nam với một số nước ASEAN cũng được thúc đẩy.
Việt Nam đón đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba thăm Việt Nam (7/2012), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn thăm Việt Nam và đồng chủ trì Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 8 (6/2012). Trong đó, Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ký Thỏa thuận về cơ chế hợp tác giao lưu giữa hai Đảng; Phó Chủ tịch Chính hiệp Lệ Vô Úy thăm Việt Nam (4/2012); Trưởng Ban tổ chức Đảng ủy Quảng Đông, Trưởng Ban kiểm tra Đảng ủy Vân Nam thăm Việt Nam (8/20/2).., Đặc biệt, sau Đại hội 18 của Trung Quốc, Việt Nam đã cử Đặc Phái viên của Tổng Bí thư sang chúc mừng thành công của Đại hội và đón Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lý Kiến Quốc sang Việt Nam thông báo kết quả Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đối ngoại Quốc hội trong năm 2012 đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp chung vào các thành tựu đối ngoại của đất nước trong năm 2012. Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội/Nghị viện các nước ở khu vực và trên thế giới trong năm 2012 phát triển mạnh và rộng khắp, hoạt động trao đổi đoàn diễn ra nhộn nhịp thể hiện sự coi trọng Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng. Trong đó, đáng chú ý là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Lào (7/2012), Thái Lan và Nhật Bản (12/2012); Việt Nam đã đón các đoàn Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia, Chủ tịch Quốc hội Mi-an-ma, Chủ tịch Hạ viện In-đô-nê-xi-a, Chủ tịch thượng viện Mê-hi-cô, Chủ tịch thượng viện Chi-lê, Chủ tịch Thượng viện Nga, Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri thăm chính thức nước ta, đón Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Kiến Quốc thăm Việt Nam (11/2012).
Hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội cũng được đẩy mạnh với việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ 7 (ASEP-7) từ 3-4/10 tại Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự Đại Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA 33 - 9/2012) tại In-đô-nê-xi-a, lãnh đạo Quốc hội dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 126 tại U-gan-đa (4/2012) và lần thứ 127 tại Quê-bếch, Ca-na-đa (10/2012)... Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội liên quan tới bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài, trong các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, xử lý hậu quả chất độc màu da cam được đẩy mạnh. Hoạt động hợp tác quốc tế diễn ra trên nhiều lĩnh vực như đào tạo, tăng cường năng lực, kỹ năng xây dựng pháp luật cho đại biểu. Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới.
Các hoạt động ngoại giao nhân dân năm 2012 đã được triển khai theo hướng chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Ngoại giao nhân dân góp phần mở rộng mạng lưới, thắt chặt quan hệ của Việt Nam với các đối tác cũng như phát huy tốt vị thế, vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn nhân dân quốc tế với các trọng tâm là: tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt - Lào lần thứ 3 (7/2012), Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Cam-pu-chia lần thứ 3 (8/2012), Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung lần thứ 4 (9/2012), tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2012, tổ chức Hội nghị các tổ chức nhân dân ASEAN - Trung Quốc lần thứ 7 (8/2012), tham gia Diễn đàn Hòa bình và Phát triển Đông Á. Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được triển khai có hiệu quả.
Có thể thấy, trong năm 2012 mặc dù môi trường đối ngoại ngày càng phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới./.