Việc giải quyết phải bảo đảm kết hợp các lợi ích của người dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước trên cơ sở luật pháp hiện hành" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ GPMB 6 tháng cuối năm 2011, vào sáng 25/7. Thực hiện tốt GPMB các dự án dân sinh bức xúc Trong 6 tháng đầu năm 2011, trên tổng số 1.000 dự án liên quan đến thu hồi đất, GPMB đang triển khai, đã hoàn thành GPMB xong 131 dự án, với diện tích đất hơn 943ha (đạt 89% so với cùng kỳ của năm 2010), chi trả tiền bồi thường hơn 8.316 tỉ đồng, hỗ trợ cho 19.587 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho 650 hộ (trong đó, bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư cho 359 hộ và bàn giao đất ở cho 291 hộ). Thành phố tập trung tháo gỡ và từng bước giải quyết những tồn tại của các dự án dở dang, chuyển tiếp từ cơ chế chính sách của các tỉnh trước khi sáp nhập về Hà Nội, không để phát sinh thành điểm nóng, khiếu kiện đông người, góp phần ngăn chặn không để tình hình phức tạp xảy ra… Ngoài ra, Thành phố cũng thực hiện tốt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB các dự án dân sinh bức xúc, điển hình như: Dự án đường ven sông Tô Lịch trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai; dự án thoát nước Hà Nội - dự án 2; dự án cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội và các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn. 6 tháng đầu năm 2011 trên toàn địa bàn Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 25 cuộc cưỡng chế thu hồi đất theo các quyết định của UBND các quận, huyện, thị xã. Vẫn còn những hạn chế Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GPMB của Thành phố vẫn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và những khó khăn, bất cập. Đại diện Ban chỉ đạo GPMB TP cho biết, trước hết, cơ chế, chính sách về thu hồi đất, đền bù, GPMB còn thiếu đồng bộ và chưa hợp lý, dẫn đến việc triển khai thực hiện của Thành phố còn gặp khó khăn, vướng mắc. Một số dự án tiến độ triển khai còn chậm so với chỉ đạo của Thành phố như: Dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái và đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, đường Văn Cao - Hồ Tây, đường 5 kéo dài… Cá biệt, một số cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ở cơ sở còn có hành vi tiêu cực, trục lợi đã bị phát hiện và xử lý. Sự phối hợp giữa một số chủ đầu tư với quận, huyện có lúc còn thiếu chặt chẽ. Một số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thực hiện dự án, chưa chuẩn bị đủ các điều kiện về vốn, về quĩ tái định cư… để tổ chức thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư, GPMB, chưa triển khai thi công, để đất trống sau khi đã nhận bàn giao, gây lãng phí và bức xúc trong dân. Công tác tuyên truyền, vận động đôi lúc chưa đạt yêu cầu, chưa đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao. Cá biệt còn có một số hộ dân trong phạm vi thu hồi đất tại một số dự án ý thức chấp hành pháp luật thấp, cố tình cản trở việc tổ chức thực hiện thu hồi đất, GPMB. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng ban GPMB huyện Từ Liêm nêu vấn đề ở dự án Quốc lộ 32. Đó là sau khi GPMB xong, thì dự án lại thi công chậm. Khi GPMB, lãnh đạo huyện hứa với dân, cố gắng GPMB đúng tiến độ để thi công, sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 32 thành con đường đẹp nhưng đến nay, tuyến đường này vẫn chưa làm xong. Từ đó, nhiều người dân không tin tưởng, gây khó khăn trong công tác GPMB thực hiện các dự án khác. Công khai, minh bạch thông tin Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần luôn xác định GPMB là nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, người đứng đầu cần nêu cao vai trò, trách nhiệm khi tham gia thực hiện. Đặc biệt, trong quá trình GPMB dự án, cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với người dân. Nhất thiết phải tổ chức họp dân, đối thoại với dân về những vấn đề đặt ra hoặc những vấn đề người dân thắc mắc; đảm bảo dân chủ, kỷ cương trong công tác GPMB; Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân liên quan đến GPMB. "GPMB là công việc mới mẻ, khó khăn và phức tạp nên khi giải quyết phải vận dụng làm sao có lợi cho dân, và phải hợp lý, hợp tình" - Phó Chủ tịch TP nói. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành tiếp tục rà soát để kiến nghị sửa, hoàn thiện cơ chế, chính sách; làm tốt công tác tái định cư, tạo điều kiện cho các hộ dân đến nơi ở mới thuận lợi, giảm bớt khó khăn; chăm lo giải quyết đời sống, công ăn việc làm; bảo vệ môi trường, quan tâm đến chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…