Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì Hội nghị.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Lao động TBXH Hoàng Thành Thái cho biết: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Hà Nội vẫn đang ở giai đoạn dịch tập trung, nhóm nguy cơ cao nhất là người nghiện chích ma túy, các nhóm nguy cơ cao khác là phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục (QHTD) đồng giới. Đặc biệt, người bị lây nhiễm HIV qua đường QHTD có xu hướng tăng (giai đoạn năm 2011 đến tháng 5 năm 2017: từ 27,6% lên 25,7%). Phân bố người nhiễm HIV trên toàn TP tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành. Nhóm tuổi nhiễm HIV từ 25 – 49 chiếm đa số (82,5%) trong năm.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống HIV/AIDS ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, các hoạt động truyền thông mới chỉ đạt về độ bao phủ, chưa đi sâu vào nội dung pháp luật. Ngoài việc tuyên truyền cần mang tính thiết thực hơn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng cần triển khai sâu rộng hơn nữa các biện pháp can thiệp giảm hại như sử dụng bơm kim tiêm, chương trình phát bao cao su…Đặc biệt, hỗ trợ tài chính cho 64 nhóm đồng đẳng đang hoạt động rất hiệu quả trên địa bàn TP trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Đặc biệt, đoàn giám sát rất quan tâm đến số lượng người nghiện trên địa bàn TP giảm một cách đáng kể. Cuối năm 2011, Hà Nội có 20.852 người nghiện ma túy có trong danh sách quản lý. Đến ngày 15/11/2016, chỉ còn 12.803 người nghiện và sử dụng ma túy dòng Opiat, giảm 8.049 người nghiện (38,6%). Đây cũng là kết quả của việc chính quyền TP đã chỉ đạo thường xuyên, sát sao và kịp thời về phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy. Mặc dù tốc độ người nghiện mới vẫn được kiềm chế nhưng xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tăng lên vẫn chưa được phát hiện và thống kê đầy đủ.
TP cũng tập trung vào hướng đưa đối tượng vào cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện tự nguyện. Trên địa bàn TP có 3 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng, Viện sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện – Viện Châm cứu Trung ương). Hàng năm, 3 cơ sở này đã tổ chức cắt cơn nghiện ma túy cho trên 1000 lượt người.
Cùng đó, tại các cơ sở cai nghiện của TP, người sau cai nghiện ma túy tiếp tục được quản lý, giáo dục, học nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm giúp họ nâng cao đời sống. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm việc làm cho người sau cai gặp nhiều khó khăn, việc làm không đều, tiền công thấp.
Tình hình tệ nạn mại dâm ở Hà Nội vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó kiểm soát cả trong các cơ sở dịch vụ nhạy cảm và ở địa bàn công cộng. Xuất hiện nhiều hình thức hoạt động mại dâm mới: mại dâm nam, đồng giới, mại dâm trên mạng, các văn hóa phẩm đồi trụy chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng công tác phòng chống mại dâm, ma túy, HIV/AIDS hiệu quả chưa bền vững, còn nặng về thành tích báo cáo mà chưa sát với thực tiễn. “Đây là vấn đề xã hội vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và an ninh trật tự xã hội nên không thể né tránh được. Nếu Trung ương có chủ trương để cơ sở mạnh dạn báo cáo thì chúng ta mới có cái nhìn thực tế hơn về công tác này” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề xuất.
Về Quỹ phòng chống tội phạm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề xuất các mục chi cần phải hợp lý và phải có tính đột phá hơn, tập trung vào công tác phòng ngừa. Đồng thời, đề xuất hướng dẫn cụ thể về chế tài xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh shisha, bóng cười, bởi đây là nguy cơ dẫn đến nghiện các chất ma túy về sau.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng lưu ý quản lý sau cai nghiện nếu không cẩn thận sẽ sa vào hình thức. Nếu giao về cho địa phương thì phải có người thực hiện, phải huy động Nhân dân tham gia và phải có cơ chế hoạt động rõ ràng. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng nếu muốn quản lý cai nghiện bền vững thì phải có việc làm cho đối tượng. Phải có có chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội tạo công ăn việc làm cho những người sau cai nghiện để họ thực sự được tái hòa nhập xã hội, trở thành người có ích.
Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội Đặng Thuần Phong ghi nhận những nỗ lực của TP Hà Nội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. “Trong hoạt động truyền thông có cố gắng lồng ghép nhiều nội dung, chú trọng vào các đối tượng có nguy cơ cao. TP làm tốt công tác dự phòng. Tích cực mở thêm các cơ sở điều trị methadone. Công tác phòng chống, đấu tranh tội phạm rất quyết liệt. Có những phương pháp quản lý người nghiện rất mềm dẻo, linh hoạt…” – ông Phong đánh giá.
Bên cạnh đó, ông Đặng Thuần Phong lưu ý TP cần nâng cao hơn nữa vai trò của cấp ủy Đảng cơ sở cấp xã, phường. Tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của TP đối với Quốc hội để làm cơ sở hoạch định chính sách lâu dài, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về chế độ chính sách trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.