Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác triển khai BHYT hộ gia đình và những kết quả đạt được

Khánh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt, mang tính cộng đồng trên tinh thần nhiều người cùng đóng góp để san sẻ cho một số ít người rủi ro, bệnh tật.

Đặc biệt, BHYT đang là điểm tựa vững chắc cho nhiều người dân nghèo, còn đối với những bệnh nhân mắc bệnh nan y như ung thư, chạy thận nhân tạo… BHYT thực sự trở thành mạng sống thứ 2 của người bệnh và là “cứu tinh” của cả gia đình người bệnh.

Bệnh nhân làm thủ tục tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Chiến Công

Để mọi người dân đều được hưởng quyền lợi về BHYT, Chính phủ đã ban hành Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020, trong đó BHYT hộ gia đình được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Được chính thức triển khai từ ngày 1/1/2015, trải qua hơn hai năm, việc thực hiện BHYT đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đã có được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. BHYT hộ gia đình như là tấm “lưới đỡ” sau cùng cho những người dân chưa thuộc bất kỳ nhóm đối tượng tham gia BHYT nào khác, đảm bảo mọi người dân trong xã hội đều có cơ hội được bảo vệ bởi BHYT. Trong xu hướng tăng cao của chi phí y tế hiện nay, cá nhân, hộ gia đình hơn lúc nào hết cần tham gia BHYT nói chung, BHYT hộ gia đình nói riêng để hạn chế gánh nặng tài chính khi rủi ro ốm đau, bệnh tật.

Để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhất là các vướng mắc trong việc phát triển đối tượng và việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT; Đề xuất, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; báo cáo kịp thời với Chính phủ ban hành văn bản số 1018/TTg-KGVX ngày 10/06/2016 về việc tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn BHXH tỉnh, TP tổ chức thực hiện; Phối hợp với các địa phương tổ chức thống kê, thu thập và nhập thông tin của trên 24,2 triệu hộ gia đình tham gia BHYT…; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về chính sách BHXH và BHYT nhưng có kế hoạch, lựa chọn theo nhóm đối tượng để xây dựng nội dung tuyên truyền, đối thoại phù hợp…; Mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT: tính đến ngày 31/12/2016, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng với 9.852 tổ chức làm đại lý thu BHXH, BHYT, theo đó có 28.191 điểm thu tới từng khu dân cư cấp thôn, xã và có 33.198 nhân viên đại lý thu được đào tạo và cấp thẻ hoạt động theo quy định; Thường xuyên tổ chức các Hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ngành của các địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp để bàn về giải pháp phát triển đối tượng.... Đối với các địa phương, BHXH các tỉnh, TP tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu và đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, TP thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2016 -2020 đối với địa bàn cấp huyện, trong đó chú trọng phát triển BHYT hộ gia đình; Mở rộng đại lý thu đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức kinh tế; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến chính sách cho đại lý thu BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu cho đại lý thu và mỗi đại lý thu gắn với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; Định kỳ 6 tháng, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT theo quy định tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và BHXH Việt Nam…

Với những cố gắng và nỗ lực trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền về tầm quan trọng của BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình, tính đến ngày 31/12/2016, số đối tượng tham gia BHYT đạt 75,59 triệu người (chưa bao gồm lực lượng vũ trang), tăng khoảng 5,62 triệu người (tương đương với 8%) so với năm 2015, đạt tỷ lệ 101,7% so với kế hoạch giao và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 81,8%, trong đó: số người tham gia BHYT hộ gia đình là 11,3 triệu người, tăng 2,9 triệu người (tương đương với 34,5%) so với năm 2015, tổng số tiền thu BHYT là 72.291 tỷ đồng đạt 101,2% kế hoạch giao (tính cả số ngân sách còn phải chuyển là 1.751 tỷ đồng), trong đó: Số tiền thu BHYT hộ gia đình là 5.905 tỷ đồng, tăng 1.340 tỷ đồng (tương đương với 29,3%) so với năm 2015.

Bên cạnh những thành tích đạt được vẫn còn những khó khăn vướng mắc trong công tác phát triển BHYT hộ gia đình, đó là: nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế về chính sách BHYT, chưa chủ động tham gia khi sức khỏe bình thường mà chỉ khi phát sinh bệnh tật thì mới nghĩ đến việc tham gia để giảm bớt chi phí y tế trong quá trình khám chữa bệnh, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh hiểm nghèo; một số hộ gia đình người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa thể tham gia BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình…; Một số đại lý thu BHXH, BHYT chưa nhiệt tình trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; Việc chủ động, phối hợp của cơ quan quản lý đối tượng tại một số địa phương trong công tác rà soát, lập danh sách người tham gia BHYT được Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng còn rất chậm, còn trùng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân như: đối tượng hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT thì nhiệm vụ trong tâm của BHXH Việt Nam đó là: tiếp tục phối hợp với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Thanh tra Chính phủ để giám sát, thanh tra, kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời chỉ đạo toàn ngành nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017, chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Chính phủ. BHXH Việt Nam chủ động sửa đổi và ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình thu theo hướng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, cụ thể trình tự, thủ tục tham gia, thu nộp BHXH, BHYT, BHTN; thường xuyên chấn chỉnh, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của toàn Ngành thực sự sang tác phong phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, chi phí cho DN và người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Đẩy mạnh triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết nghiệp vụ, quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; hoàn thiện đồng bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, triển khai cấp mã định danh cho người tham gia BHXH, BHYT; Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị, DN, đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị, DN cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; cung cấp thông tin, hồ sơ cho cơ quan Liên đoàn Lao động khởi kiện các đơn vị, DN trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT; Tiếp tục mở rộng hệ thống Đại lý thu BHXH, BHYT, tăng số lượng điểm thu, nhân viên đại lý thu đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng khai thác, tuyên truyền chính sách, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo hướng chuyên nghiệp.