"Công thức vàng" kích cầu chi tiêu du lịch ở Sa Pa

Thảo Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo xu hướng chung của thế giới, Sa Pa cũng đang được “tính toán” để sớm bứt phá trở thành điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế - nơi du khách không chỉ đến để ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, mà còn được thỏa sức tiêu tiền và muốn ở lại lâu hơn, vui chơi không biết chán.

Cáp treo Fansipan.
Đâu là bí quyết hút khách của Chiang Mai - Thái Lan?
Nổi tiếng là thiên đường du lịch, mua sắm với các điểm vui chơi giải trí thâu đêm suốt sáng, Thái Lan không chỉ hấp dẫn du khách với thủ đô Bangkok sầm uất hay các bãi biển đẹp mê hồn như Phuket, Pattaya mà những địa điểm nằm trên các vùng núi của Thái Lan cũng được xem là “mỏ vàng du lịch”.
Điển hình có thể kể đến Chiang Mai, "đoá hồng phương Bắc” của Thái Lan. Theo thống kê của Cơ quan du lịch Thái Lan - văn phòng Chiang Mai (TAT), trong 8 tháng đầu năm 2018, Chiang Mai đón khoảng 10 triệu khách du lịch.
Đáng chú ý, tỷ lệ khách du lịch quay trở lại trên khách du lịch mới của Chiang Mai là 70/30. Điều này có nghĩa sức hấp dẫn của Chiang Mai không đơn giản chỉ nằm ở vẻ đẹp của những dãy núi hùng vĩ, mờ ảo trong sương sớm, các làng nghề truyền thống, những loại hình giải trí mà còn ở những trải nghiệm du lịch, mua sắm đa dạng, mới mẻ khiến khách du lịch khát khao móc hầu bao để liên tục quay lại.
Có thể kể đến các trung tâm thương mại thời thượng như Festival Chiang Mai rộng 250.000m2 lớn nhất Chiang Mai, hay, Maya Lifestyle - điểm hẹn của giới trẻ. Bên cạnh đó, còn là các khu phố thương mại hội tụ vô số của hàng náo nhiệt thâu đêm suốt sáng như Night Bazaar...
Bài toán hút khách du lịch còn được Pakkanan Winijchai - giám đốc Cơ quan du lịch Thái Lan - văn phòng Chiang Mai (TAT) lý giải khi Chiang Mai mở rộng kết nối tới nhiều quốc gia châu Âu thông qua những đường bay thẳng quốc tế thời gian gần đây. Bởi vậy Chiang Mai đã trở thành điểm đến của toàn cầu với những tour, tuyến du lịch được thiết kế kéo dài từ 4-5 ngày thay vì chỉ 2 ngày như trước đây.
Nói vậy để thấy, Chiang Mai đã kết hợp khéo léo giữa các trải nghiệm truyền thống, bản sắc văn hóa, nét đẹp thiên nhiên cùng những con phố mua sắm, trung tâm thương mại sầm uất để tạo thành một hệ sinh thái trọn vẹn bao gồm cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng hấp dẫn.
Ở Việt Nam, mô hình quần thể nghỉ dưỡng cũng được một số Tập đoàn lớn áp dụng. Điển hình là hệ sinh thái của Tập đoàn Sun Group đã chứng minh sự thành công tại các thị trường Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc thời gian qua…
Hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansipan.

Xu hướng “All-in-one” hái ra tiền ở Việt Nam
Nhìn vào con số tăng trưởng du lịch của Đà Nẵng để thấy sức mạnh của mô hình quần thể du lịch “All-in-one” lớn tới thế nào. Đà Nẵng trước khi có sự xuất hiện của thiên đường giải trí Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonders chỉ là một điểm trung chuyển của khách du lịch trên hành trình đi Huế, Hội An… Sau 10 năm, lượng khách du lịch đã tăng tới 400 lần.
Hay như Phú Quốc, 30% là một mức tăng trưởng đáng mơ ước của bất kỳ địa phương nào. Cáp treo Hòn Thơm, quần thể khu nghỉ dưỡng hạng sang trên bãi Kem, Mũi Ông Đội… đã trở thành thỏi nam châm hút khách tới đảo Ngọc ngay từ những ngày đầu vận hành.
Ở Sa Pa, lượng khách du lịch đổ về thị trấn mờ sương ngày một đông đúc. Nếu như năm 2013, tổng lượng khách đến Sa Pa là 720.000 người, doanh thu du lịch khoảng 576 tỷ đồng, thì hết năm 2018, Sa Pa đã đón 2,5 triệu lượt khách, thu tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Và chỉ sau 7 tháng đầu năm 2019, Sa Pa đã đón hơn 2,15 triệu lượt khách. Dự báo, năm 2020, Sa Pa sẽ đón khoảng 4 triệu lượt khách và sẽ tăng gấp đôi lên 8 triệu lượt khách vào năm 2030.
Động lực cho sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch Sa Pa đến từ các tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được hình thành trong vài năm trở lại đây. Trụ cột là quần thể du lịch Sun World Fansipan Legend - “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới năm 2019” - với hệ thống cáp treo kỷ lục thế giới, tàu hỏa leo núi Mường Hoa, các công trình chùa tháp tâm linh kỳ vĩ và những lễ hội văn hóa diễn ra suốt 4 mùa… cùng khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên tại Sa Pa - Hotel de la Coupole, Mgallery by Sofitel - “Khách sạn có thiết kế hàng đầu thế giới” và “Khách sạn biểu tượng của thế giới” năm 2019.
Sắp tới đây, Sa Pa sẽ được bổ sung thêm các sản phẩm cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm cho du khách, để có thể trở thành một quần thể “All-in-one” thực sự. Dù chủ đầu tư chưa chính thức lên tiếng, nhưng dự án khi đi vào hoạt đông sẽ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái cho du lịch Sa Pa và hứa hẹn đem về cho “kinh đô mùa hè” này những dòng khách du lịch khổng lồ cùng mức chi tiêu cao hơn. Trong tương lai gần, du khách đến Sa Pa sẽ sẵn sàng dốc hầu bao như thể họ đang ở Chiang Mai hay ở bất kỳ đâu trên “Đất nước của những nụ cười” Thái Lan.
Khách sạn Hotel de la Coupole - Mgallery.
Cùng với đó, Sa Pa cũng liên tiếp đón tin vui khi chuẩn bị tổ chức lễ công bố thành lập thị xã Sa Pa vào tối ngày 28/12/2019. Đồng thời, hạ tầng kết nối đến TP mờ sương không ngừng được đầu tư.
Cùng với dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa với tổng kinh phí hơn 2500 tỷ đồng (dự kiến triển khai giai đoạn 2 và hoàn thành toàn tuyến sau năm 2020), sân bay Sa Pa đã chính thức được phê duyệt với công suất phục vụ 3 triệu khách mỗi năm.
Hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông cùng lúc được “kích hoạt” sẽ trở thành bệ phóng thúc đẩy du lịch thành phố mờ sương bứt tốc trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần