Số công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đã giảm đáng kể, còn khoảng 9% so với công trình được xây dựng, giảm khoảng 4% so với năm 2012; số công trình xây dựng sai với giấy phép được cấp cũng giảm đáng kể, còn khoảng 2,4% giảm 0,6% so với năm 2012.
Đến nay cả nước đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố chỉ số giá xây dựng phục vụ việc lập, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán, giá gói thầu, giá hợp đồng xây dựng. Đây là cơ sở rất tốt cho việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Hiện nay, toàn quốc có 124 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn, trong đó: 85 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng trên 51.895 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 23.822 tỷ đồng; 39 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.
|
Hàng loạt các dự án phát triển nhà ở xã hội được triển khai không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở, mà còn góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Một số dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn đã được triển khai phải kể đến như: Đề án nhà ở xã hội tại Bình Dương (của Tổng công ty Becamex IDC) với quy mô 64.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho trên 125.000 người, đã hoàn thành 4.700 căn; Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai (Tổng công ty IDICO) có quy mô 3.500 căn, đáp ứng 8.000 công nhân; Dự án khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội (Tổng công ty Viglacera) có quy mô 1.139 căn, đáp ứng 4.000 người,...
Qua rà soát, các địa phương đã tổng hợp được số liệu cơ bản về các dự án phát triển nhà ở và những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu đã phân loại các dự án cần tạm dừng, các dự án được tiếp tục triển khai và các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường. Hiện cả nước có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 34.837 căn với tổng mức đầu tư khoảng 20.567 tỷ đồng. Có 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ ban đầu là 31.999 căn hộ, điều chỉnh thành 40.500 căn hộ (tăng 8.501 căn).
Về vấn đề quy hoạch, trong năm 2013, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Đề án Rà soát tổng thể tình hình thực hiện công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước, tập trung rà soát toàn bộ các quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị trên phạm vi cả nước.
Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ 13 đồ án quy hoạch xây dựng (trong đó có 6 đồ án đã được phê duyệt); thẩm định, trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ 10 đồ án.
Đã lập các quy hoạch phân khu để cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở xác định các khu vực phát triển, triển khai lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư. Đến nay, TP Hà Nội đã phê duyệt 12 đồ án quy hoạch phân khu với diện tích khoảng 22.940ha, đang lập 19 đồ án và 4 nhiệm vụ đồ án với diện tích khoảng 20.000ha (tỷ lệ đã phê duyệt đạt gần 55%). Đối với TP Hồ Chí Minh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đạt tỷ lệ quy hoạch phân khu đạt 100% so với đất xây dựng đô thị (tương đương 95.000ha); trong đó lập mới và điều chỉnh 40.000ha.
Tính đến nay, có 13 quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt (năm 2012 là 12 vùng); 60/63 tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (năm 2012 là 58/63 tỉnh); 765/765 các đô thị có quy hoạch chung được duyệt; 14/15 khu kinh tế ven biển, 10/28 khu kinh tế cửa khẩu đã phê duyệt quy hoạch chung. Tỷ lệ lập quy hoạch phân khu tại các đô thị đạt trung bình khoảng 70%, tăng 10% so với cuối năm 2012. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 30% diện tích đất xây dựng đô thị, tăng 5% so với cuối năm 2012.
Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn được tập trung đẩy mạnh, đã có 83,5% xã nông thôn đã được phê duyệt quy hoạch chung (năm 2012 là 72,3%), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
“Năm 2014, Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, kết hợp với kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị mới; đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán thấp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.