Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công ty tài chính cần hành lang pháp lý riêng

Lâm Giang
Chia sẻ Zalo

Cho vay tiêu dùng những năm gần đây nở rộ với sự tham gia của các công ty tài chính (CTTC) do có thủ tục nhanh gọn hơn, không cần tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, do đặc thù riêng, hành lang pháp lý cho hoạt động của các CTTC cần những quy định cụ thể hơn thay vì được “nhốt chung” với các ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng hiện nay.
Quy định chưa đầy đủ
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong 7 năm qua đã tăng khoảng 20%/năm, tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng dự kiến sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các nước khác trên thế giới đang ở mức rất cao như Trung Quốc khoảng 17%, Australia, Mỹ lên tới 40%... Như vậy, dư địa để phát triển hoạt động này còn rất nhiều.
Hiện nay, có 2 kênh phổ biến và chính thống mà khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng tìm đến là các ngân hàng và CTTC.
 Ảnh minh họa
Nếu như các ngân hàng yêu cầu chặt chẽ về điều kiện cho vay như phải có tài sản thế chấp hoặc chứng minh được khả năng trả nợ bằng lương và thu nhập…, thì các CTTC lại chọn một phân khúc khách hàng khác. Đó là những khách hàng nhỏ lẻ, không cần tài sản thế chấp hay chứng minh tài chính. Chỉ với sổ hộ khẩu hoặc chứng minh Nhân dân, các CTTC đã có thể đáp ứng nhu cầu vay mua tiêu dùng trả góp.
Như vậy, có thể thấy, về bản chất, hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng và CTTC là không giống nhau. Tuy nhiên, hiện nay, việc tổ chức và hoạt động của các CTTC và cho thuê tài chính đã được quy định khá cụ thể trong Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Nghị định số 39/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, các hình thức cho vay đang được “nhốt chung” trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy chế cho vay đối với khách hàng tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN.
Nhưng các quy định này được nêu rất chung chung, nhiều điểm chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho cả bên cho vay và người đi vay. Hơn nữa, việc quy định chung còn tạo sự thiếu công bằng cho các CTTC khi phải tuân theo những điều kiện như một ngân hàng, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, rất dễ tạo cơ hội cho “tín dụng đen” phát triển.
Theo TS Nguyễn Thị Hương Lan - Đại học Đại Nam, bên cạnh việc hệ thống pháp lý cho các CTTC chưa đầy đủ và chặt chẽ, vẫn chưa có chiến lược phát triển CTTC một cách tổng thể, phù hợp với quy mô thị trường; công tác giám sát vẫn chưa chặt chẽ nhằm hạn chế và chấn chỉnh những vi phạm, yếu kém của CTTC. Do đó, hoạt động của các CTTC hiện nay vẫn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng hết nhu cầu của thị trường.
Cần cơ chế
Nhìn chung, các chuyên gia ngân hàng đều cùng chung nhận định, khung pháp lý cho các CTTC cần được hoàn thiện hơn, cần ban hành thành Luật CTTC hoặc Luật Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng một cách đầy đủ, nhất quán, để hoạt động của các CTTC được phát triển hơn nữa, tránh cho người dân sa vào bẫy “tín dụng đen”.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, khung pháp lý về cho vay cần nêu rõ khái niệm cho vay tiêu dùng với những quy chế rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế về hoạt động; phương thức tính lãi suất, các yếu tố phí được tính vào lãi và phí ngoài lãi để đảm bảo tính minh bạch về lãi suất; trách nhiệm công bố thông tin và tư vấn khách hàng…
Vào cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã công bố lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC, trong đó có nêu rõ về khái niệm, điều kiện cho vay, lãi suất cho vay trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên… Tuy nhiên, đến nay, dự thảo này vẫn chưa được ban hành. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, theo thông lệ quốc tế và tính chất của thị trường tín dụng tiêu dùng, vay tiêu dùng không nên áp dụng trần lãi suất. Mà thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước cần tập trung xây dựng thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh và hiệu quả dựa trên nguyên tắc công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, để thị trường vận động theo quy luật cung - cầu, song cũng cần nâng cao khả năng thanh tra giám sát tín dụng tiêu dùng phù hợp với những rủi ro đặc thù của thị trường này.