Những ngày đầu gian khóCách đây 45 năm, ngày 28/3/1973, Đội Thoát nước (tiền thân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bây giờ) được thành lập. Sau đó vài tháng, Đội Thoát nước được đổi tên thành Xí nghiệp Thoát nước Hà Nội, trực thuộc Cục quản lý công trình công cộng, có nhiệm vụ quản lý và vận hành hệ thống thoát nước TP nhằm từng bước góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt của Nhân dân kết hợp với phục vụ nông nghiệp ngoại thành. Hệ thống thoát nước khi đó chỉ có 74km cống các loại từ thời Pháp thuộc, được xây dựng trước năm 1939, tập trung tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Hệ thống thoát nước bao gồm chung cho cả nước mưa, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, bệnh viện. Nước thải được truyền dẫn qua 45km các kênh, mương, gần 30km sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu và cuối cùng đổ về sông Tô Lịch và thoát ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt với lưu lượng thoát chỉ là 10m3/s.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm, chúc Tết cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội dịp Tết Mậu Tuất 2018. |
Những ngày đầu thành lập thật sự là giai đoạn khó khăn, đơn vị chỉ có khoảng gần 100 công nhân và phải làm việc trong điều kiện chủ yếu là dụng cụ cầm tay. Song nhờ có sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, công tác cải tạo, nạo vét sông, hồ đã được cải thiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là sự gia tăng rác thải và chất thải đổ vào các con sông, thậm chí nhà cửa cũng lấn ra sông không chỉ gây cản trở thoát nước mà còn làm cho chất lượng nước ngày càng ô nhiễm hơn. Nhiều tuyến đường, tuyến phố chưa có cống ngầm nên nhiều khu vực bị ngập lụt khi có mưa. Để nâng cao hiệu quả thoát nước, cải tạo môi trường TP, Xí nghiệp đã không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị, máy móc. Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lần đầu tiên đơn vị đầu tư mua được các thiết bị cơ giới như xe hút bùn chân không của Nhật Bản, xe contenner của Trung Quốc. Các thiết bị cơ giới đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, tăng năng suất lao động, đồng thời giảm bớt nặng nhọc cho người lao động. Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Xí nghiệp, năm 1991, UBND TP quyết định chuyển đổi thành Công ty Thoát nước Hà Nội.
Đổi mới mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu đô thị hóaNăm 1993, với chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, Công ty được UBND TP giao nhiệm vụ là đối tác cùng các chuyên gia JICA lập quy hoạch tổng thể thoát nước Hà Nội với phạm vi 135,4km2, chia làm hai lưu vực: Lưu vực sông Tô Lịch, diện tích 77,5km2; lưu vực sông Nhuệ, diện tích 58km2. Dự án chia làm 3 giai đoạn với kinh phí trên 1 tỷ USD. Năm 1995, quy hoạch và dự án được Chính phủ phê duyệt, tiến hành khởi công thực hiện, đánh dấu thời kỳ TP bắt đầu có sự đầu tư và chú trọng trên quy mô lớn, tổng thể hệ thống thoát nước Thủ đô.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội thảo Đánh giá hiệu quả thử nghiệm xử lý nước hồ trên địa bàn TP bằng chế phẩm Redoxy - 3C do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện. |
Một dấu mốc quan trọng nữa là năm 2008, TP Hà Nội được mở rộng, với diện tích hơn 3.344km2, dân số hơn 6,2 triệu người. Đây thực sự là một thách thức đối với lĩnh vực thoát nước phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô giai đoạn mới. Nhưng với quyết tâm lớn nhất, vừa đào tạo nguồn nhân lực, vừa mạnh dạn đầu tư, cải tiến nhiều thiết bị cơ giới..., Công ty Thoát nước Hà Nội đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, Công ty đã sở hữu 250 thiết bị cơ giới hiện đại, đáp ứng yêu cầu của TP và sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các đơn vị khác trong trường hợp khẩn cấp. Chính những thiết bị và dây chuyền cải tiến này đã được Công ty huy động trong công trình cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm từ tháng 11/2017 - 1/2018, với hơn 55.000m3 bùn trầm tích tồn đọng được nạo vét, hơn 10.000 lượt xe vận chuyển bùn an toàn.
Cùng đó, hệ thống thoát nước của 12 quận đã được số hóa và cập nhật lên bản đồ hệ thống thoát nước trên nền tảng GIS. Các thông số cơ bản của hệ thống như cống, mương, sông, hồ, ga thu... được cập nhật đầy đủ và là cơ sở để kiểm soát, đánh giá khả năng úng ngập cũng như lên kế hoạch duy tu, quản lý và lập dự án cải tạo các công trình chống úng ngập cục bộ. Các dữ liệu này cùng với dữ liệu quan trắc môi trường nước các hồ, các điểm xả thải là cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc hình thành BIG DATA, một trong ba yếu tố quan trọng làm nên cách mạng công nghiệp 4.0, cần thiết cho việc xây dựng TP thông minh theo chủ trương của lãnh đạo UBND TP.
Đối với công tác duy tu duy trì hệ thống, Công ty cũng đã chủ động nghiên cứu và áp dụng các thiết bị, công nghệ như camera kiểm tra lòng cống; hệ thống đo mưa, đo mực nước tự động; hệ thống giám sát vận hành bơm, đập điều tiết… Ngoài ra, mạnh dạn áp dụng các giải pháp đột phá để giải quyết các điểm úng ngập cố hữu. Mặt khác, với việc thành lập Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước Hà Nội đã giúp cho cơ quan quản lý và người dân TP nắm được các thông số về lượng mưa, điểm úng ngập trên địa bàn TP bằng ứng dụng của điện thoại thông minh để tra cứu trực tiếp, qua đó có chỉ đạo và ứng phó kịp thời.
Với 45 năm cống hiến, trải qua nhiều gian khó, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội qua các thời kỳ không khỏi tự hào vì đã được đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô. Bởi thế, dẫu công việc vất vả, luôn phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại nhưng với tình yêu nghề nghiệp, tình yêu Hà Nội, nay hơn 2.000 cán bộ, công nhân Công ty lại tiếp tục hăng say lao động, thầm lặng góp phần xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp.
Với những thành tích đạt được, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước gồm: Huân chương Lao động hạng Ba (1978); Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ 2 (1983); Huân chương Lao động hạng Nhì (1991); Huân chương Lao động hạng Nhất (1996); Huân chương Độc lập hạng Ba (2003); Huân chương Độc lập hạng Nhì (2012); Huân chương Lao động hạng Nhất giai đoạn 2012 – 2016 (2017) và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thành ủy, UBND TP từ 2013 - 2017. |