COP21 đạt được thỏa thuận khí hậu lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện từ 195 quốc gia tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) sáng 13/12 (giờ Việt Nam) đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C.

 
Sự vui mừng của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande sau khi đạt được thỏa thuận khí hậu.
Sự vui mừng của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande sau khi đạt được thỏa thuận khí hậu.
Trước đó cùng ngày, Pháp đã đệ trình lên hội nghị COP21 bản dự thảo thỏa thuận nhằm hạn chế hoạt động phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đe dọa bầu khí quyển của Trái Đất. Ngoại trưởng Fabius, người chủ trì các cuộc đàm phán kéo dài gần 2 tuần tại Paris, đã trình bản thỏa thuận lên các bộ trưởng để xem xét thông qua.

Một số điểm nổi bật trong thỏa thuận bao gồm việc giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C). Về vấn đề tài chính, Các nước phát triển đồng ý đóng góp ít nhất 100 tỷ USD một năm, kể từ năm 2020 để giúp các quốc gia đang phát triển, tuy nhiên, do sự phản đối của Mỹ, điều này không được ghi trong phần ràng buộc pháp lý của thỏa thuận. Trong nỗ lực nhằm tăng cường sự cam kết của các quốc gia, thỏa thuận sẽ tiến hành đánh giá cam kết 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 2030.
Pháp khẳng định đây là một thỏa thuận công bằng, tự nguyện và có tính ràng buộc về pháp lí.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius vui mừng cho biết: "Tôi nhận thấy phản ứng tích cực trong phòng hội nghị. Tôi không thấy sự phản đối nào. Thỏa thuận khí hậu Paris đã được thông qua".

Phát biểu về thành công của COP 21, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Cùng nhau, chúng ta đã minh chứng cả thế giới có thể sát cánh làm một”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần