COP21: Giờ G đã điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kéo dài thêm 1 ngày so với dự kiến ban đầu, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) dự kiến sẽ kết thúc vào ngày mai (12/12).

Hai khác biệt “không mới nhưng chưa bao giờ cũ” của lần bàn thảo này chính là trách nhiệm tài chính và sự minh bạch của các nước.

Quả bóng tài chính

Trong những ngày qua, nhiều bàn thảo đề cập tới hiệu quả của những hỗ trợ tài chính trong việc giảm phát thải CO2 và ứng phó biến đổi khí hậu. Việc này nhằm thúc đẩy thu hút đóng góp từ chính phủ tới các nhà hảo tâm cá nhân tại những quốc gia phát triển nhằm đạt mục tiêu 100 tỷ USD/năm cho các nước phát triển trong 5 năm tới.
COP21: Giờ G đã điểm - Ảnh 1
Tuy nhiên, kế hoạch gây quỹ hỗ trợ vẫn chưa rõ ràng do các bên tham gia COP21 đổ lỗi lẫn nhau về trách nhiệm trước tình trạng nóng lên của trái đất. Những nước đang phát triển cho rằng một số quốc gia lớn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cả. Bởi họ là đối tượng thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Trong khi đó, quả bóng tài chính này vẫn đang được đá qua lại giữa các quốc gia phát triển. Với lý do mới phục hồi khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ và châu Âu vẫn tìm cách đẩy trách nhiệm hỗ trợ lớn hơn cho nền kinh tế mới nổi Trung Quốc. Trong khi đó, đại diện từ Trung Quốc tự nhận nước này “vẫn còn là một quốc gia nghèo”?!

Do đó, việc khởi động dòng tiền hàng trăm tỷ USD từ các quốc gia giàu tới các quốc gia đang phát triển từ năm 2020 có nguy cơ thất bại. Từ 62 tỷ USD hiện nay lên tới 100 tỷ USD là một khoảng cách không hề nhỏ và điều thiết yếu là một cam kết rõ ràng giữa các nước phát triển để cải thiện tình hình này.

Washington và Bắc Kinh

Vấn đề minh bạch cũng được đem ra mổ xẻ, gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington và Bắc Kinh đã đạt được một bước đột phá trong chính sách khí hậu, đồng thời công bố kế hoạch cùng cắt giảm khí thải trong tương lai. Tuy nhiên, vào tháng trước cộng đồng quốc tế phát hiện Trung Quốc tiêu thụ lượng than lớn hơn 17% so với mức thông báo.
COP21: Giờ G đã điểm - Ảnh 2
Việc Trung Quốc lần đầu tiên đẩy cảnh báo ô nhiễm không khí lên cao nhất hồi đầu tuần qua, bất chấp khẳng định tiếp tục đầu tư vào phát triển năng lượng sạch cũng đặt thêm dấu hỏi về khoảng cách từ cam kết tới hành động của Bắc Kinh.

Giới quan sát cho rằng phát hiện này càng cho thấy cần phải có một cơ quan độc lập để thẩm tra lượng cắt giảm khí thải của các quốc gia. Todd Stern, đặc phái viên đàm phán về biến đổi khí hậu Mỹ khẳng định tính minh bạch là yếu tố quyết định thành công của thỏa thuận sắp tới. Theo đó, Washington mong muốn thiết lập một cơ quan quốc tế gồm các chuyên gia để giám sát và đánh giá cách thức các quốc gia thực hiện những cam kết cắt giảm khí thải.

Dù có khó khăn và còn nhiều khác biệt, nhưng các bên thực sự đã tiến gần hơn tới một thỏa thuận khí hậu mang tính pháp lý đầu tiên sau 4 năm đàm phán. Thế hệ tương lai sẽ còn nhìn lại khoảnh khắc lịch sử này để đánh giá quyết tâm bảo vệ thế giới, từ đó tạo bàn đạp cho những hành động chống biến đổi khí hậu lớn hơn. Do đó, các đại diện 195 quốc gia tham dự COP21 lần này, không có lý do gì để bỏ cuộc.