Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

COP21 thành công: Nhận thức quan trọng, hành động quyết định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều lần thất bại, 195 nước thành viên LHQ đã làm cho hội nghị quốc tế của LHQ về bảo vệ khí hậu Trái đất tổ chức ở Thủ đô Paris của nước Pháp thành công.

Thỏa thuận vừa đạt được ở hội nghị này vì thế được đánh giá có ý nghĩa lịch sử và bản thân hội nghị là sự kiện lịch sử của thế giới. Nhìn nhận như thế quả thực không quá bởi lần đầu tiên tất cả các thành viên LHQ đạt được thỏa thuận bao trùm về mục tiêu cụ thể, biện pháp khả thi và nguồn tài chính rõ ràng về bảo vệ khí hậu Trái đất theo những tiêu chí và yêu cầu mà các nhà khoa học đã đưa ra để cứu Trái đất và thế giới loài người khỏi bị dần diệt vong vì biến đổi khí hậu Trái đất.

Tại hội nghị này và biểu lộ trong kết quả hội nghị, tất cả các nước có được nhận thức chung là không để nhiệt độ Trái đất tăng quá mức 2 độ C và thậm chí còn đạt được sự nhất trí về mục tiêu còn cao hơn thế là giảm từ 2 độ C xuống còn 1,5 độ C. Tương tự như vậy về phương diện trách nhiệm của từng quốc gia, bất kể giàu hay nghèo, phát triển hay kém phát triển, ở trên lục địa hay giữa đại dương. Kết quả hội nghị đáng được đánh giá cao khi nhằm vào thời kỳ sau năm 2020 nhưng không quên giai đoạn từ nay đến thời điểm đó để đề ra những mốc thời gian cho các nước tự xem xét quá trình triển khai thực hiện để kiên định tiếp tục hay chủ động kịp thời điều chỉnh. Và điều rất quan trọng là cam kết tài chính 100 tỷ USD hàng năm để chi cho công cuộc bảo vệ khí hậu trên Trái đất được tái khẳng định. Về phương diện chính sách kinh tế và hoạt động kinh tế, nhận thức của hội nghị về dần từ bỏ sử dụng than đá, dầu lửa và khí đốt sẽ có hệ lụy hết sức sâu sắc và mạnh mẽ bởi sẽ đưa lại điều chỉnh chiến lược phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở mọi nơi trên thế giới.

Những nhận thức nói trên vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Nhưng hành động cụ thể mới quyết định thế giới nhân loại và khí hậu Trái đất có được giải cứu hay không. Vấn đề đặt ra bây giờ là nhanh chóng chính thức ký kết thỏa thuận đạt được ở Paris để nó trở thành văn kiện pháp lý chung, là nhanh chóng đưa nó vào có hiệu lực và tất cả 195 thành viên LHQ thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh những gì đã cam kết và thỏa thuận trong đó.