Hội chợ có sự tham gia của 51 tỉnh, thành của Việt Nam, 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với 450 gian hàng và 600 đơn vị. Ước tính có tới trên 60.000 lượt du khách và DN đã đến tham quan, mua sắm tại hội chợ.
Điểm nhấn của Hội chợ VITM Hà Nội 2023 là Diễn đàn “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam”. Diễn đàn đã thu hút đông đảo đại biểu tham gia với những đề xuất góp ý, những ý tưởng gợi mở cho phát triển du lịch văn hóa, tạo thuận lợi cho du lịch gắn kết với văn hóa phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Các ý kiến tại diễn đàn đều khẳng định tầm quan trọng, mối liên hệ giữa văn hóa và sự phát triển du lịch và ngược lại. Các đại biểu cũng đánh giá vai trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn, góp phần tạo việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, tăng thu nhập cho người dân. Các yếu tố văn hóa cũng làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch, đồng thời là một tiềm năng to lớn, mang tính trụ cột để phát triển du lịch bền vững.
Có thể nói đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu là một định hướng đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch trong nước và quốc tế. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm.
Tại Việt Nam, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt. Nhiều điểm đến có di sản văn hóa thế giới như Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình)… đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tại Diễn đàn “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam”, nhiều kinh nghiệm xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút du khách, làm nổi bật các giá trị văn hóa Việt Nam đã được chia sẻ. Mỗi nơi một cách làm, song qua những kinh nghiệm, cách làm phong phú, đa dạng, sáng tạo của mỗi DN, địa phương có thể nhận thấy một điểm chung cần quan tâm. Đó là tất cả những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại muốn trở thành một sản phẩm du lịch, trước hết và luôn luôn cần được thực hiện bởi những con người văn hóa.
Nói cách khác, để đưa được các sản phẩm du lịch văn hóa đến với du khách cần có những con người văn hóa, những cộng đồng dân cư văn hóa. Không thể đem một sản phẩm du lịch văn hóa tới du khách nếu những sứ giả của nó là những người làm du lịch, rộng hơn là cộng đồng dân cư nơi sản phẩm du lịch đó hiện diện không mang đậm nét văn hóa.
Nói có vẻ to tát, nhưng thực tế đôi khi khá đơn giản. Đó chỉ là những ánh mắt, nụ cười, cử chỉ… thân thiện làm ấm lòng du khách. Thực tế cho thấy, ở những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách, ngoài thế mạnh nhờ cảnh sắc thiên nhiên, di sản văn hóa, phong cách ẩm thực…, sự thành công còn nhờ ở việc mỗi người dân đều trân trọng, yêu quý di sản văn hóa quê hương, mong muốn giới thiệu với du khách bốn phương nét đẹp văn hóa của địa phương mình.
Đón khách với tâm lòng rộng mở, chân thành, ứng xử phù hợp thân thiện… đó là bước đầu tiên và xuyên suốt trong quá trình đưa sản phẩm du lịch văn hóa tới bè bạn bốn phương. Và như vậy, như trên đã nói, để những sản phẩm du kịch văn hóa có sức hấp dẫn và lan tỏa, cốt lõi vẫn là xây dựng những con người, cộng đồng mang vẻ đẹp của một lối sống văn hóa.