Đây vẫn là mức tăng thấp vì từ giữa năm ngoái, chỉ số này luôn tăng trên 0,2%. Trong 11 nhóm hàng hóa, có 9 nhóm hàng tăng giá trong tháng này, mạnh nhất là giao thông (tăng 0,33%), may mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 0,26%), thiết bị và đồ dùng gia đình (0,24%).
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có quyền số lớn nhất trong rổ tính (chiếm đến xấp xỉ 40%) tháng này tăng nhẹ 0,15%. Trong đó, lương thực giảm 0,26%, thực phẩm tăng 0,27% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,27%.
Mức tăng đáng kể, cao nhất trong tháng thuộc về nhóm giao thông với mức 0,33% so với tháng trước chủ yếu là do tác động từ việc tăng giá các mặt hàng xăng, dầu các loại.
Trong tháng, có tới 3 đợt điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu nhưng xét bình quân cả tháng, giá xăng vẫn tăng hơn so tháng trước, là nhân tố chính đóng góp đáng kể vào mức tăng của nhóm giao thông.
Giá gas bán lẻ của các hãng tiếp tục đồng loạt giảm kể từ ngày 1/4/2014 là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,56% so với tháng trước.
Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng gián tiếp của giá dầu thô thế giới, giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng/ giảm 3 lần trong tháng cũng góp phần đáng kể trong mức giảm trên.
Giá điện thoại di động các loại vẫn đang giảm do nhiều mẫu mã mới được đưa ra thị trường là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp ở mức 0,14% so với tháng trước.
Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ, thậm chí gần như không đổi so với tháng trước.
Không tính vào rổ hàng hóa tính CPI, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng này lần lượt giảm 1,04% và 0,06%. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng 1,51%, cách xa giới hạn mà Quốc hội đề ra là khoảng 6-7%.
CPI cả nước tăng nhẹ. Ảnh minh họa.
|