Chỉ số CPI tăng thấp, được xem là điều kiện cho sản xuất kinh doanh ổn định và cũng là yếu tố GDP tăng trưởng trong năm 2015.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
- Thưa ông, với việc chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm trong những tháng gần đây, đặc biệt, lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, CPI tháng 9 giảm so với tháng trước; CPI tháng 9 năm 2015 so với tháng 12 cũng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%. Xin ông cho biết, đâu là những nguyên nhân?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thực tế hiện nay, qua thu thập thông tin về mức giá và diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới của Tổng cục Thống kê, CPI tăng thấp là do các nguyên nhân chủ yếu như giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 19/8/2015 và ngày 3/9/2015; trong đó, tổng cộng giá xăng giảm 1.970đ/lít, giá dầu diezel giảm 550đ/lít, giá dầu hỏa giảm 830đ/lít. Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 3,17% góp phần giảm CPI chung của tháng 9 khoảng 0,28%.
Giá xăng dầu thế giới giảm rất mạnh làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hoặc các ngành sản xuất cũng giảm. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết chuyển sang mùa Thu cũng khiến cho nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%; đồng thời, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với giá xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm nên chỉ số lương thực, thực phẩm giảm 0,14%.
- CPI tăng thấp có là cơ sở để hạ lãi suất không, thưa ông?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thực hiện chính sách tiền tệ hay hạ lãi suất ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố thể hiện qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và đạt mức tăng trưởng kinh tế bền vững của Chính phủ. Chẳng hạn như thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng hay thắt chặt, hoặc hạ lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi sẽ phụ thuộc vào lượng cung tiền trong nền kinh tế hiện tại; phụ thuộc vào nhu cầu tín dụng của nền kinh tế như thế nào, phụ thuộc vào khả năng huy động của hệ thống ngân hàng thương mại ra sao và cả phụ thuộc vào CPI.
Nếu CPI thấp sẽ tạo điều kiện cho người dân gửi tiền vào hệ thống ngân hàng hoặc trực tiếp đầu tư cho sản xuất. Nhưng nếu khả năng huy động của các ngân hàng không tốt thì có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng mức lãi suất huy động. Cho nên CPI tăng thấp chỉ là một yếu tố để cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách.
- Thưa ông, khi CPI tăng thấp mà GDP lại tăng khá cao. Vậy, giữa CPI và GDP có mối quan hệ tỷ lệ nào không?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Qua tình hình kinh tế 9 tháng, với mức tăng trưởng GDP đạt 6,5% và dấu hiệu kinh tế, các chỉ tiêu của các ngành sản xuất khác cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc. CPI tăng thấp, đây cũng là điều kiện để cho sản xuất kinh doanh ổn định phát triển.
Như vậy, giữa CPI và GDP không có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Tức là không phải cứ CPI tăng thì GDP mới tăng mà CPI giảm thì GDP giảm, không có mối quan hệ đó.
CPI tăng thấp, nhưng chỉ tiêu phản ánh tổng cầu lại tăng cao, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay so với 9 tháng năm trước tăng trên 9%. Trong khi con số này của năm 2014, chỉ là 7,3%. Cho nên, CPI tăng thấp nhưng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng, nói cách khác nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng.
GDP tăng trưởng còn được thể hiện qua các chỉ tiêu khác như: 9 tháng 2015, ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, ngành sản xuất và phân phối điện, nước đều có chỉ số phát triển sản xuất tăng cao. Như vậy, CPI mặc dù tăng thấp nhưng GDP và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của năm nay đều có dấu hiệu tốt.
- Với diễn biến giá liên tục giảm trong thời gian qua, Tổng cục Thống kê có tham vấn gì với Chính phủ trong công tác điều hành giá?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Năm nay, yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, tuy vậy những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Vì vậy Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật hiện hành trong kinh doanh xăng dầu, nhất là đối với hệ thống tổng đại lý, đại lý.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phải phối hợp tốt và hiệu quả trong đề xuất các chính sách liên quan tới lạm phát; tiếp tục phối hợp xây dựng các kịch bản chính sách, đánh giá tác động của các kịch bản như thời gian vừa qua trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu cũng rất quan trọng để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
- Thưa ông, năm 2015 và năm 2016 chỉ số CPI được đặt ở mức 5%. Vậy, chúng ta có nên đặt CPI là một mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong mục tiêu phát triển kinh tế hay không?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Phải nói rằng, cách đây mấy năm về trước, lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng mà Chính phủ cần phải quan tâm. Thời gian gần đây, lạm phát không còn tăng cao nữa. Với mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát, thay vì kiềm chế lạm phát như trước đây. Cho nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành đưa ra mục tiêu 5%. Như vậy, mục tiêu và các Bộ, ngành tính toán, 5% là mục tiêu để cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Qua nghiên cứu, báo cáo của các nhà kinh tế trên thế giới, qua việc chạy mô hình trên 50 nền kinh tế; trong đó có cả những nước phát triển và những nước đang phát triển, các nhà kinh tế tìm hiểu mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng như thế nào thì người ta thấy rằng giữa lạm phát và tăng trưởng không có mối quan hệ tỷ lệ thuận và cũng không phải có mối quan hệ tỷ lệ nghịch.
Các nhà kinh tế đã đưa ra một “Ngưỡng lạm phát” với ý nghĩa nếu lạm phát cao hơn ngưỡng đó sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho tăng trưởng kinh tế; ngưỡng này đối với các nền kinh tế phát triển là khoảng 2-3% và đối với các nền kinh tế đang phát triển khoảng 11-12%.
Với nghiên cứu của các nước và thực tế diễn biến kinh tế của Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua, Tổng cục Thống kê đã đưa ra ngưỡng lạm phát của nền kinh tế nước ta trong khoảng từ 5-8%. Đây là cái ngưỡng để cho lạm phát tạo điều kiện phát triển kinh tế. Và cũng là một trong những căn cứ, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành đặt ra lạm phát 5% trong năm 2015 để cho kinh tế phát triển.
Theo tôi, thực ra, rất nhiều nước trên thế giới không đưa chỉ tiêu CPI là một chỉ tiêu pháp lệnh, để đưa ra Quốc hội phê duyệt. Hầu như họ không có dự báo về CPI, một số nền kinh tế, ví dụ như: Đức, họ chỉ đặt ra lạm phát mục tiêu. Theo đó, mục tiêu lạm phát của nền kinh tế không vượt quá 2-3%, nếu vượt qua mức đó mới cần chính sách tiền tệ và các chính sách tài khóa để điều chỉnh.
Việt Nam thời gian gần đây, lạm phát khá ổn định, đã chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát. Vừa rồi, Tổng cục Thống kê có báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trong Phiên họp Chính phủ tháng 8, Bộ trưởng cũng báo cáo yêu cầu không đưa lạm phát vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đây sẽ chỉ là mục tiêu để Chính phủ chỉ đạo điều hành thay vì mục tiêu đưa ra Quốc hội phê duyệt.
- Xin chân thành cám ơn Tổng cục trưởng!
Ảnh minh họa.
|