Song ở khía cạnh khác cần được nghiên cứu kỹ để có các chính sách kích thích tăng trưởng phù hợp với những diễn biến mới của nền kinh tế.
CPI 2014 giảm, chi phí vẫn tăng
Chia sẻ tại hội thảo "Lạm phát thấp ở Việt Nam, cơ hội và thách thức" ngày 26/12, Bà Ngô Thị Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê, Tổng Cục thống kê cho biết đã nhận được rất nhiều câu hỏi xung quanh CPI. Đây là một năm mà những người tính chỉ số CPI nhàn nhã hơn. Việc tăng giá trong 2014 cũng không còn là nỗi lo của Chính phủ. CPI cả năm tăng 4,09 % so với mức 6,6% của năm 2013 là bất ngờ với nhiều người. Có 9 tháng tăng, 3 tháng giảm. Có 2 tháng đầu năm thuộc tháng Tết tăng, nhưng bất ngờ là giảm rơi vào hai tháng cuối năm. Hơn chục năm nay mới xảy ra (điều này xảy ra ở năm 2008 khi Việt Nam chiu ảnh hưởng của khủng hoảng).
Phân tích về điều này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, CPI giảm do giá xăng dầu, gas và hàng hóa trên thế giới giảm mạnh kéo theo giá trong nước giảm. Tương tự như năm 2013, phải thừa nhận các cơ quan chức năng đang kiểm soát CPI khá tốt. Nhưng đáng lo ở chỗ, mặc dù sức mua giảm, tổng cầu giảm nhưng chi phí vẫn cứ tăng, nghĩa là có yếu tố chi phí đẩy. "Đơn cử, giá dầu thế giới giảm trên 50%, Việt Nam mới giảm 30%, giá nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức cao. CPI tăng thấp là thấp hơn so với chúng ta nhưng trong khu vực Việt Nam vẫn ở mức cao so với Thái Lan, Singgapore,Malaysia, Philipines, Bruney. Ta tương đương Campuchia" - ông Long dẫn chứng.
Theo ông Ngô Trí Long, lạm phát thấp ở đây không phải do hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh được nâng cao, do tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Hiện nay, cầu tiêu dùng vẫn yếu và chưa được cải thiện nhiều. Những năm trước khủng hoảng (2006 - 2007) tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hàng năm trên 14%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP cũng đạt 6,98 % và 7,13%. Trong 2 năm 2013 và 10 tháng năm 2014, tăng trưởng tiêu dùng ở mức thấp chỉ đạt mức 7,53% và 6,5%, trong khi tăng trưởng kinh tế 4,42% và 5,9%. Như vậy, so với những năm trước, cầu tiêu dùng những năm gần đây vẫn thấp hơn, mức độ tăng chỉ đạt 50%. Như vậy có thể khẳng định cầu tiêu dùng yếu.
Vẫn cần kích thích tổng cầu
Dự báo về CPI năm 2015 và những năm tiếp theo, các chuyên gia nhận định, tăng trưởng chậm lại của những nền kinh tế lớn như Nhật, Nga… cho thấy kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, khả năng cuộc chiến giá dầu sẽ kéo dài, chưa thể kết thúc sớm sẽ là một trong những nguyên nhân làm cho giá cả không tăng cao đột biến.
TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế - Tài chính phân tích thêm, cuối năm 2014, dù ngân hàng có động thái tích cực hạ lãi suất, nhưng nhìn chung cung - cầu sẽ khó gặp nhau, khả năng hấp thụ của nền kinh tế có thể sẽ không đột biến nhiều. Lý do nợ xấu trong các DN chưa được xử lý cho nên các điều kiện vay vốn chưa đảm bảo đủ an toàn để các NH có thể mở rộng cho vay; Chính sách tài khóa thắt chặt sẽ còn duy trì. Với những gì xảy ra đối với thu ngân sách ngày càng khó khăn và chi NS luôn vượt khả năng cân đối trong mấy năm qua, thâm hụt cao, tỷ lệ trả nợ với NS sẽ tăng dần, sang năm 2015, nợ công đã sát trần quy định... "Với những lý do trên, có thể CPI 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp khoảng 2 - 3%" - TS Nguyễn Ngọc Tuyến dự báo.
Bàn về tổng cầu, theo chuyên gia Ngô Trí Long, có 3 cầu là tiêu dùng, cầu chi tiêu của Chính phủ, cầu DN. Do tình hình kinh tế khó khăn, thắt lưng buộc bụng, nhu cầu tiêu dùng của người dân và thậm chí chi tiêu của Nhà nước vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy, sức cầu nền kinh tế vẫn yếu không chỉ ở khu vực tư nhân mà còn ngay cả ở khu vực Nhà nước. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài thì CPI có nguy cơ chững lại và hệ lụy của nó là nền kinh tế sẽ chậm phục hồi hơn nhiều so với mức kỳ vọng.
Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm tại Chợ Hôm - Đức Viên chiều 25/12. Ảnh: Hoàng Anh
|
Năm nay, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng có một năm tăng thấp so với cùng kỳ, tình hình kinh tế khó khăn trong 2 năm gần đây, nên người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu hơn và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Bà Ngô Thị Ánh Dương
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê
|