Phân tích từ viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) công bố hôm 9/3/2018 cho thấy, CPTPP sẽ tạo ra lợi nhuận thực vào khoảng 157 tỷ USD cho các nước thành viên, so với con số ban đầu vào khoảng 465 tỷ USD từ hiệp định gốc khi còn thành viên Mỹ. Giờ đây khi không còn Mỹ, CPTPP vẫn mang lại những lợi ích về xuất khẩu và thương mại cho tất cả các nước thành viên.
Do không còn Mỹ, theo phân tích của PIIE, Malaysia được đánh giá là quốc gia hưởng lợi nhất từ CPTPP. Còn hãng đánh giá tín dụng Moody’s nhận định, CPTPP sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước thông qua tiến trình cắt giảm các rào quản thuế quan và phi thuế quan. “Những nỗ lực cải cách ở các quốc gia thành viên TPP sẽ làm thúc đẩy tính cạnh tranh, đầu tư và tăng cường năng lực thể chế, là lợi thế to lớn đối với những quốc gia như Peru, Việt Nam, Mexico và Brunei”, nhà phân tích Matthew Circosta cùng nhóm nghiên cứu của Moody’s nhận xét trong báo cáo nhanh của mình công bố sáng 9/3.
Cụ thể, theo Moody’s, trong khi các nhà xuất khẩu nông sản của New Zealand sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường Nhật Bản, thì các nhà sản xuất ô tô của Nhật sẽ có cơ hội lớn hơn ở các thị trường thành viên CPTPP. Riêng Việt Nam, Moody’s cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ tiếp cận dễ hơn với các thị trường Canada, Mexico hay Peru. “Rào cản thuế quan thấp sẽ giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường như Australia và Nhật Bản, trong đó các lĩnh vực dệt may, da giầy và các ngành sử dụng nhiều lao động sẽ hưởng lợi nhiều nhất”, báo cáo của Moody’s cho biết.
Còn theo đánh giá nhanh của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 9/3, ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn, CPTPP dự kiến sẽ góp tăng thêm 1,1% GDP cho Việt Nam tính đến thời điểm 2030. Trong khi đó, theo PIIE, Singapore đã ký kết hiệp định thương mại với 8 thành viên CPTPP, tuy nhiên, các công ty xuất khẩu của nước này sẽ vẫn hưởng lợi từ những ưu đãi mới mà CPTPP mang lại khi tiếp cận thị trường: Canada, Mexico, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile và Peru.
Từ góc nhìn lãnh đạo DN, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, nội dung CPTPP không chỉ bao gồm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác, khiến đây trở thành một hiệp định rất toàn diện đúng như tên gọi và tiến bộ hơn những hiệp định trước đó.
Với việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, theo phân tích của ông Hải, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%. “Tuy nhiên, nhìn chung, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi. Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia CPTPP như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD/năm”, ông Hải nói.
Kết quả một khảo sát toàn diện về DN trên toàn cầu của HSBC cho thấy, 63% các DN tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ. Trong số 1.150 DN có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc từ bỏ một số điều khoản trong hiệp định TPP gốc sẽ có thể làm chậm tíến trình cải cách ở một số quốc gia. “Mặc dù Việt Nam đang có những tiến triển tích cực khi tiến hành cải cách luật lao động, nhưng với việc ký kết CPTPP, Việt Nam cần thêm thời gian để chuẩn hóa các quy định về lao động theo tiêu chuẩn quốc tế, ví như đưa ra mức lương tối thiểu và điều kiện lao động”, theo các nhà phân tích của Moody’s.
Thách thức cho Canada, theo Moody’s, là việc bảo hộ các ngành công nghiệp văn hóa như sản xuất phim, truyền hình và âm nhạc, trong khi Malaysia sẽ cần thêm thời gian để cải cách và thúc đẩy tính cạnh tranh của một số DN Nhà nước cũng như quy trình thủ tục đấu thầu công.