Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cú đòn hiểm của ông Putin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới lại xuất hiện trước phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ.

So với thời điểm cách đây 10 năm thì môi trường chính trị đối ngoại và an ninh đã thay đổi cơ bản đối với Nga. So với những sự kiện chính trị, kinh tế và tài chính quốc tế kể từ khi xảy ra chuyện ở Ukraine mà ông Putin tham gia thì vị thế quốc tế của nước Nga và tầm ảnh hưởng của cá nhân ông Putin đối với nền chính trị thế giới cũng đã có sự khác biệt rất rõ rệt với bài phát biểu của ông Putin ở LHQ.

Ông Putin không chỉ trở lại LHQ mà còn chứng tỏ lợi hại hơn trước. Bên lề diễn đàn này, ông Putin còn có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Phương Tây chủ trương trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính, thương mại và cô lập ông Putin về chính trị trên thế giới thì ở LHQ ông Putin đã cho thấy chủ định ấy đã bị phá sản như thế nào. Nhưng đáng kể hơn cả là việc ông Putin đã làm cho Mỹ và các đồng minh, đối tác buộc phải xích lại gần Nga và tìm kiếm tiếp xúc, đối thoại và tham vấn Nga, cho dù trong thâm tâm họ không hề muốn làm việc ấy.

Cú đòn hiểm của ông Putin là tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria, xác lập cho Chính phủ Syria và cá nhân Tổng thống Syria Assad vai trò xứng đáng trong liên minh mới chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Mỹ và đồng minh đang bế tắc trong cuộc chiến chống IS và càng thêm khó xử bởi quyết định của Nga bắt đầu can dự trực tiếp về quân sự vào cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria. Họ buộc phải tìm kiếm sự phối hợp hành động với Nga bởi nếu không sẽ gặp phức tạp và rắc rối mới trong cuộc chiến tranh với IS, đồng thời lại không thể thực hiện được mục tiêu lật đổ quyền lực của ông Assad ở Syria. Họ buộc phải chấp nhận vai trò và ảnh hưởng mới của Nga ở khu vực này nói riêng và trong các chuyện thời sự khác của thế giới nói chung. Nga đã xoay chuyển tình thế chính trị đối ngoại và an ninh để có được lợi nhất cho mình.