Kinhtedothi - Tại Hội nghị “Phổ biến Nghị quyết 92/QĐ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” do Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội tổ chức sáng 14/1, lãnh đạo ngành du lịch khẳng định: Sự ra đời của Nghị quyết 92 là “cú hích” để du lịch Việt Nam bứt phá trong thời gian tới. Nếu thực hiện tốt văn bản này, chỉ sau từ 3 – 5 năm, năng lực cạnh tranh của ngành “công nghiệp không khói” sẽ được nâng lên đáng kể.
Mốc quan trọng
Dù ngành du lịch đã đạt được những kết quả đáng mừng trong thời gian qua, nhưng các chuyên gia đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Là bởi, trong cấu thành đầu vào tạo nên sản phẩm du lịch, ngành “công nghiệp không khói” chỉ đáp ứng một nửa, phần còn lại do các ngành khác đảm bảo như giao thông, ngoại giao, môi trường…
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, 3 vấn đề quan trọng có tính chất quyết định đến lựa chọn đi du lịch của du khách là: Sự thông thoáng về visa; Kết nối hàng không để có các đường bay
trực tiếp và Cung cấp thông tin. Do đó, muốn có sản phẩm tốt thì cần có chính sách vĩ mô để kết nối sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đặc biệt là các ngành có tác động trực tiếp như Giao thông, Ngoại giao, Công an, Môi trường và sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp. Người đứng đầu ngành du lịch khẳng định: “Sự ra đời Nghị quyết 92 là dấu mốc, tạo cú hích để du lịch Việt Nam bứt phá trong thời gian tới. Nếu thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch; Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch; Tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; Tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch, chỉ sau từ 3 – 5 năm, năng lực cạnh tranh của toàn ngành sẽ được nâng lên đáng kể”.
Hiện thực hóa văn bản
Để hiện thực hoá văn bản này, giới chuyên môn cho rằng, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần vào cuộc một cách quyết liệt, trong đó, không thể thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành như Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Công Thương, Công an, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính. Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương phải được đề cao, vì đây là nơi sâu sát nhất để những vấn đề đặt ra từ thực tế tại các điểm đến du lịch được giải quyết triệt để.
Một trong những nội dung được Nghị quyết 92 đề cập là “các Hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng DN du lịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, nhằm tạo bước chuyển biến đột phá trong phát triển du lịch”. Quả là tổ chức xã hội nghề nghiệp, với vai trò kết nối các hoạt động của cộng đồng DN du lịch, lữ hành, các hiệp hội luôn song hành và phối hợp cùng cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Do đó, tổ chức này sẽ kịp thời đưa ra định hướng hoạt động và yêu cầu các DN tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, áp dụng linh hoạt các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng lâu dài, bền vững. Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội là đơn vị đi đầu trong công tác phổ biến và giới thiệu Nghị quyết 92. Ông Mai Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội tin tưởng: “Hiện, Sở VHTT&DL Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 92 để trình UBND TP phê duyệt. Trong đó, chúng tôi dự kiến tập trung ưu tiên giải quyết những khó khăn lớn của Thủ đô”. Mong rằng, văn bản này sẽ sớm được ngành du lịch Thủ đô thực hiện có hiệu quả để tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu và thu hút ngày càng đông đảo du khách.
Khách du lịch nước ngoài tham quan Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh Hải Linh
|
Cũng tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) Lê Tuấn Anh đã giới thiệu bộ nhận diện Thương hiệu “Vietnam – Timeless charm”; Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng giới thiệu kết quả hoạt động ngành Du lịch Hà Nội 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 tới các hội viên Hiệp hội Du lịch Hà Nội. |