Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cử tri Hà Lan bác thỏa thuận với Ukraine: Hại thể diện, tổn uy danh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với kết quả trưng cầu dân ý vừa rồi, cử tri Hà Lan đã không chấp thuận phê chuẩn hiệp ước liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine trong khi tất cả các thành viên khác của EU đã phê chuẩn nó.

Hiệp định này đã có hiệu lực tạm thời vì EU có nhu cầu sử dụng nó để tách biệt Ukraine ra khỏi hẳn phạm vi ảnh hưởng của Nga và để xác lập EU hoàn toàn đứng về phía chính phủ Ukraine trong những gì đang xảy ra ở nước này và trong quan hệ của Ukraine với Nga.
Cử tri Hà Lan đã bác thỏa thuận liên kết giữa EU - Ukraine.
Cử tri Hà Lan đã bác thỏa thuận liên kết giữa EU - Ukraine.
Sự bác bỏ của cử tri Hà Lan trong cuộc trưng cầu dân ý này vì thế không cản trở hiệu lực của hiệp ước. Nó cũng không có hiệu lực ràng buộc đối với chính phủ Hà Lan cho dù chính phủ Hà Lan không dám coi nó như là chưa hề có. Cho nên có thể thấy cử tri Hà Lan đã tận dụng cuộc trưng cầu dân ý này không phải để nhằm phản đối Ukraine mà để thể hiện thái độ bất bình đối với EU và chính phủ của họ.
Với 17 triệu người, Hà Lan chiếm tỷ trọng chỉ có 0,6% tổng số dân của tất cả 28 thành viên EU. Cũng chỉ có hơn một phần ba số cử tri ở Hà Lan tham gia cuộc trưng cầu dân ý này. Vì thế, việc cử tri Hà Lan bác bỏ hiệp ước không mang tính đại diện cho Hà Lan và EU. Nhưng cũng không vì thế mà EU và chính phủ Hà Lan bị tổn hại cả thể diện lẫn uy danh. Hà Lan là một trong 6 thành viên thành lập EU và hiện là chủ tịch luân phiên của EU, vậy mà cử tri Hà Lan bác bỏ một hiệp ước mang ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với EU đã được chính phủ nước này long trọng tham gia ký kết.

EU hiện lại đang cần thành tựu hơn khi nào hết. Khủng hoảng nợ công và tài chính vẫn chưa qua, khủng hoảng tỵ nạn đang trầm trọng thêm, vấn đề Ucraine vẫn bế tắc và quan hệ với Nga tiếp tục xấu, khủng bố lại gia tăng, nội bộ EU phân rẽ sâu sắc, không ít thành tựu quan trọng đã đạt được trong quá trình nhất thể hoá châu lục đang gặp nguy cơ bị đảo ngược. Giờ lại thêm cú đòn của cử tri Hà Lan. Nó buộc EU phải nhận ra những sai lầm đã mắc phải, những bất cập đang tồn tại và những lệch lạc trong định hướng phát triển. Việc khắc phục tác động chính trị nội bộ và tâm lý xã hội của kết quả cuộc trưng cầu dân ý này ở Hà Lan không đơn giản đối với chính phủ Hà Lan vad dễ dàng đối với EU.