Kinhtedothi - Ngày 23/3, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội quanh vấn đề bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho rằng: Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc lựa chọn giới thiệu các ứng cử viên đủ điều kiện để đưa vào danh sách xem xét tại hiệp thương lần thứ 3.
Trước một số ý kiến đề nghị cần giám sát, kiểm tra chặt hơn nữa hồ sơ của các ứng cử viên để có thể bảo đảm chất lượng các ĐB lọt vào vòng hiệp thương lần thứ 3, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Hội đồng Bầu cử quốc gia đã hướng dẫn rất kỹ về mẫu hồ sơ và hướng dẫn cách thức khai hồ sơ. Điều quan trọng nhất là người khai hồ sơ phải hết sức trung thực, khai đúng, khai đủ, chính xác các thông tin theo đúng hướng dẫn. Các cơ quan khi xác nhận hồ sơ phải xác nhận cho rõ, làm sao hồ sơ phản ánh được đúng thực trạng hồ sơ đang quản lý. Qua hồ sơ có thể đánh giá được khả năng chuyên môn, tư cách chính trị của người ứng cử, do đó việc khai hồ sơ một cách chính xác cũng là một căn cứ để cử tri tham khảo và lựa chọn. Nhưng điều quan trọng vẫn là sự tín nhiệm của cử tri, kể cả cử tri ở nơi làm việc và cử tri nơi cư trú. Tại đây, các cử tri biết rất rõ về các ứng cử viên ngoài giờ làm việc sinh sống, ứng xử như thế nào, chấp hành quy định pháp luật tại địa phương ra sao, tài sản có bao nhiêu, gia đình đó sống như thế nào. “Ý kiến của cử tri là nguồn quan trọng bên cạnh hồ sơ của người ứng cử để bảo đảm chọn lọc được những người xứng đáng nhất qua cuộc bầu cử. Việc lựa chọn không chỉ căn cứ vào hồ sơ mà còn phải căn cứ vào ý kiến của cử tri. Do đó, ý kiến của cử tri là rất quan trọng và cần được tôn trọng. Công tác lấy ý kiến nơi cư trú cần phải được tiến hành một cách thực chất để cử tri bày tỏ đúng nhất sự tin tưởng, tín nhiệm của mình đối với ứng cử viên” - ông Thông nhận định.
Ông Thông cũng cho biết: Việc vận động bầu cử là một yếu tố quan trọng, góp phần vào việc lựa chọn ứng cử viên của cử tri. Cho nên công tác giới thiệu ứng cử viên, tuyên truyền và quảng bá về ứng cử viên cũng phải làm một cách công bằng và cần tạo đủ điều kiện để các cử tri tiếp cận được đầy đủ thông tin của từng ứng cử viên. Cần lưu ý pháp luật đã có quy định trong việc vận động bầu cử không được sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri; không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử hoặc lợi dụng việc vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp cho tổ chức, cá nhân mình. Các cơ quan, tổ chức ở địa phương cũng như tất cả quần chúng Nhân dân cần tham gia giám sát chặt chẽ việc vận động bầu cử để bảo đảm hoạt động này được tiến hành công bằng, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.