Khi “vàng đen” không còn giữ được giá trị của mình, một kỷ nguyên mới của dầu giá rẻ được mở ra và vẽ lại cảnh quan địa chính trị toàn cầu.
Tình trạng dư cung toàn cầu, tăng trưởng kinh tế chậm chạp tại hầu hết các quốc gia khiến nhu cầu dầu thô chậm lại đã khiến giá dầu thế giới giảm mạnh xuống còn 78 USD/thùng - mức thấp nhất trong 4 năm qua. Ông Ed Morse – chuyên gia về thị trường hàng hóa của Citigroup khẳng định, giá dầu giảm sẽ dẫn đến những thay đổi địa chính trị quan trọng. Dầu xuống giá làm suy yếu nguồn lực về kinh tế của một số quốc gia vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng nhưng cũng đồng thời làm tăng sức mạnh của những quốc gia khác. Điều này thể hiện rõ nhất ở những tuyên bố và quyết định mạnh tay của Mỹ với Iran và Nga trong thời gian qua. Nhờ thực hiện thành công cuộc cách mạng khai thác dầu khí đá phiến, năm 2010, Mỹ đã vượt Nga để trở thành quốc gia có sản lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Không chỉ giúp kinh tế Mỹ hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giảm sự lệ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu dầu khí, trữ lượng dầu khí đá phiến cho phép Mỹ áp dụng các đòn trừng phạt cứng rắn với Iran và Nga mà không cần phải lo ngại về tác động của nó với hoạt động nhập khẩu năng lượng.
Lật lại lịch sử, sự lao dốc của giá dầu trong nửa cuối những năm 1980 đã làm suy giảm nguồn lực và là một trong những nhân tố dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô Viết. Giá “vàng đen” chững lại năm 1990 cũng đã ảnh hưởng đến quyết định tấn công Kuwait, gây ra cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên. Và lần này, Nga, Iran, Venezuela sẽ là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự sụt giảm giá dầu. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí chiếm khoảng một nửa ngân sách quốc gia nên cùng với tác động từ các đòn trừng phạt của phương Tây, việc giá dầu giảm sâu hơn sẽ khiến kinh tế Nga gặp “thảm họa”.
Bức tranh địa chính trị thế giới còn được tái định hình khi thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) phải tham gia vào một cuộc chiến mới về giảm giá dầu để bảo vệ thị phần, làm dấy lên những đồn đoán về khả năng OPEC sẽ phải quyết định cắt giảm sản lượng để cắt lỗ, thiết lập mức giá sàn. Sự sụt giảm của giá dầu trong bối cảnh Iran và nhóm P5+1 phải đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran vào ngày 24/11 còn tạo ra áp lực lớn lên Tổng thống Rouhani. Nhiều khả năng chính quyền Tehran sẽ phải tiến hành một số nhượng bộ để giảm bớt sự cô lập kinh tế Iran khi giá dầu có thể bắt đầu rơi vào chu kỳ giảm sâu.
Chưa rõ quyết định cuối cùng của OPEC trong phiên họp quan trọng vào tuần tới sẽ ra sao nhưng có một điều chắc chắn là tổ chức này đang bị ép phải tham gia vào một canh bạc đầy rủi ro. Với sự tụt dốc không phanh của giá dầu, luật chơi của thị trường và chính trường thế giới đã thay đổi khi người cầm trịch không còn nằm trong tay các nước có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ nữa… mà thuộc về quốc gia làm chủ công nghệ sản xuất các nguồn năng lượng thay thế.
Công nhân làm việc tại Nhà máy lọc dầu Rumaila gần TP Basra (Iraq). Ảnh: AP
|