KTĐT - Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các đại biểu trong phiên họp cuối tuần trước, có 47 tập đoàn, tổng công ty đang tham gia đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và góp vốn quỹ đầu tư.
Các tập đoàn, tổng công ty đua nhau đầu tư ra ngoài ngành nhưng hiệu quả hoạt động không cao, nợ đọng nhiều. Sáng nay 9/11, đại biểu Quốc hội sẽ mổ xẻ tình hình tài chính, các khoản lỗ tại các doanh nghiệp chủ lực này.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các đại biểu trong phiên họp cuối tuần trước, có 47 tập đoàn, tổng công ty đang tham gia đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và góp vốn quỹ đầu tư. Trong đó, tổng số vốn đầu tư tài chính đến cuối năm 2006 là trên 6.400 tỷ đồng, cuối năm 2007 khoảng 16.200 tỷ đồng và cuối năm 2008 là 21.164 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) của hầu hết các tập đoàn tổng công ty đều thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này.
Chỉ tính riêng năm 2008, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều bị thua lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận. Tính đến hết tháng 12/2008, tổng mức đầu tư của Tập đoàn Điện lực (EVN) vào chứng khoán là 214 tỷ đồng; các tập đoàn góp vốn vào quỹ đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 368,9 tỷ đồng; Tập đoàn Cao Su VN 271 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy 144 tỷ đồng… đều không phát sinh lợi nhuận.
Cũng theo kết quả giám sát thì nhiều tập đoàn chạy đua đầu tư ra ngoài ngành, vào chứng khoán, trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước. Điển hình là EVN, năm 2008, đơn vị này đầu tư vào lĩnh vực tài chính khoảng 2.146 tỷ đồng, trong khi từ nay đến hết năm 2015 để đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện đơn vị còn thiếu 382.930 tỷ đồng. Chưa kể, năm 2009, EVN đã trả 13 dự án điện với lý do không đủ vốn đầu tư.
Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo báo cáo có tới gần một nửa các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả thấp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%). Chính điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước.
Không ít đơn vị, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, năm 2006 có 38 tập đoàn, tổng công ty có hệ số an toàn vốn (tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu) vượt ngưỡng 3 lần, chiếm 40% các đơn vị nằm trong diện khảo sát. Năm 2007 và 2008 có 31 tập đoàn, tổng công ty, chiếm 32%...
Tính đến hết tháng 12/2008 có 7 tập đoàn nằm trong diện có nợ quá hạn cao với 4.168 tỷ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ của các tập đoàn tại các tổ chức tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 15% tổng số nợ quá hạn.
Tập đoàn Vinashin có số nợ quá hạn là 3.812 tỷ đồng, chiếm 19,17% dư nợ của tập đoàn và chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn. Nợ quá hạn của 9 nhóm tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là 1.208 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng số nợ tại tổ chức tín dụng.