Đường lối đúng đắn đó đã khơi nguồn cho giới công thương đóng góp phần mình trong khối sức mạnh to lớn của toàn dân tộc.
Những ngày đầu về Thủ đô mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang trong sự ủng hộ nhiệt thành của một trong những gia đình giàu có nhất Hà Nội khi đó là ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Tại ngôi nhà này, với sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình, Người đã viết Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay từ những ngày đầu thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa cho Nước Việt Nam mới của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự tin tưởng vào tấm lòng yêu nước và sự ủng hộ, bảo vệ của những doanh nhân, những người có “hằng sản hằng tâm” như cách gọi của Người. Cần nhớ lại rằng, sau khi giành được chính quyền, Chính phủ lâm thời của Nhân dân phải vượt qua những thử thách khốc liệt, đối phó với nguy cơ thù trong, giặc ngoài trong tình thế “không tiền, không vũ khí, không đồng minh”. Tài chính quốc gia kiệt quệ chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng tiền cũ nát chờ hủy trong kho. Giữa muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin vào tấm lòng yêu nước của các doanh nhân. Người đề nghị lập Quỹ Độc lập và kêu gọi những người “hằng tâm, hằng sản” góp phần tài lực cho đất nước trong Tuần lễ vàng (từ ngày 17 - 24/9/1945). Lời kêu gọi đó đã được đông đảo Nhân dân, phần lớn là những nhà công - thương hưởng ứng. Hơn 370kg vàng, 20 triệu đồng (Đông Dương) đã được đồng bào quyên góp giúp Chính phủ lâm thời giải quyết nạn tài chính kiệt quệ. Trong Tuần lễ vàng, gia đình ông Trịnh Văn Bô góp 117 lạng vàng và 200.000 đồng cho Quỹ Độc lập; bà Vương Thị Lai, chủ hiệu Lợi Quyền ở 27 Hàng Ngang góp 105 lạng vàng và 10.000 đồng; bà Lương Thị Tình góp 56 lạng vàng; ông Nguyễn Như Mậu góp 11.000 đồng... Cũng trong Tuần lễ vàng, các nhà công - thương Hà Nội là giới xã hội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch (ngày 18/9/1945). Gần một tháng sau, ngày 13/10/1945, Người viết thư động viên họ tham gia Công thương cứu quốc đoàn.Trong Thư gửi giới công thương Việt Nam, với cương vị Chủ tịch Chính phủ nhưng Người xưng hô với giới công thương là “Các Ngài”. Đây không phải là một sáo ngữ mà xuất phát từ tinh thần vun đắp khối đại đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy doanh nhân có vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn là một thành viên của Mặt trận Việt Minh “đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt” và có thể có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Hoạt động kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp còn có mối quan hệ chặt chẽ với sự trường tồn của dân tộc: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công -thương nghiệp thịnh vượng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, trách nhiệm của giới doanh nhân với việc xây dựng kinh tế đất nước: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” và nhiệm vụ quan trọng nhất của giới công thương là “đem vốn vào làm những việc ích quốc lợi dân”. Nhưng không chỉ kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.Đường lối đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời từ buổi đầu xây dựng đã khơi nguồn cho “giới Công - Thương” đóng góp phần mình, vượt qua khó khăn, cùng góp sức xây dựng chính quyền mới. Những doanh nhân hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ... cùng với số đông trong đội ngũ doanh nhân khi đó đã đáp lời kêu gọi của Người. Họ đã có nhiều đóng góp cho công cuộc Kháng chiến - Kiến quốc còn nhiều khó khăn. Nhiều năm sau, bà Hoàng Thị Minh Hồ, phu nhân của ông Trịnh Văn Bô tâm sự: “Khi đó, chúng tôi không hề có ý nghĩ tiếc tiền mà chỉ mong sao giúp được Tổ quốc, giúp được Chính phủ Cụ Hồ, góp sức giữ vững được nền độc lập. Chúng tôi không thể ra chiến trường chiến đấu như anh em chiến sĩ, chỉ có chút tài sản để đóng góp cho Tổ quốc lẽ nào lại tiếc”. Số tài sản của các nhà công - thương đóng góp cho kháng chiến có thể tính đếm bằng ngàn bằng triệu đồng, nhưng phía sau đó là tấm lòng yêu nước, là ý chí độc lập của những người chung một cội nguồn dân tộc, cùng góp sức xây dựng đất nước, phấn đấu cho tương lai tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tấm lòng thì không đo đếm được.
Lễ phát động Tuần lễ vàng tại Hà Nội, 9/1945. (Ảnh tư liệu). |
** *
Hôm nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới đã mạnh hơn rất nhiều. Họ là lực lượng đại diện cho sức sản xuất đang phát triển, những người trực tiếp đưa tri thức, đưa vốn và công nghệ sản xuất mới vào nền kinh tế để thực hiện mục tiêu đưa đất nước Việt Nam tiến đến giàu mạnh, hiện đại, dân chủ, văn minh. Chúng ta mong muốn và đang xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành hệ thống DN có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này không xa với những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn từ 72 năm trước.
THƯ GỬI CÁC GIỚI CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM Cùng các ngài trong giới Công - Thương,Được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay "Công - Thương cứu quốc đoàn" đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt.Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này.Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào "Công - Thương cứu quốc đoàn" cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.HỒ CHÍ MINH Báo Cứu quốc, số 66, ngày 13/10/1945 |