KTĐT - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói về tiêu thụ nông sản đảm bảo cho dân lãi ít nhất 30%.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian qua, tuy nhiên nhiều loại nông sản vẫn chưa thoát cảnh được mùa mất giá, nên Nhà nước đang thực thi giải pháp hỗ trợ thu mua tạm trữ để đảm bảo lợi ích cho người nông dân.
Bên lề Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2010 của ngành nông nghiệp vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng mạnh, nhưng tốc độ nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản còn tăng nhanh hơn. Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này?
Sáu tháng đầu năm 2010, chúng ta xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng chúng ta nhập nguyên liệu đầu vào cũng hết hơn 6,4 tỷ USD, tăng tới 36,3% so với cùng kỳ, đây là một vấn đề lớn đang đặt ra. Chúng tôi cũng đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cố gắng cao nhất giảm sự chênh lệch này thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu, rà soát để kiểm soát tốt hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt các mặt hàng dành cho tiêu dùng.
Sắp tới, chúng tôi sẽ ban hành những văn bản tương tự đối với các nhóm mặt hàng khác nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, hàng nông sản dành cho tiêu dùng.
Chính phủ đề ra chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo, cà phê, muối sao cho nông dân có lợi nhuận 30%. Việc định giá sàn thu mua hiện nay có khách quan, và cơ chế nào để kiểm soát việc thu mua tạm trữ nông sản, thưa ông?
Lúa vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long vừa mới thu hoạch xong. Tập quán của nông dân ở đây là thu hoạch xong thì bán ngay, nên áp lực cũng rất cao. Mặt khác, giá thành hạt lúa hè thu cao hơn so với lúa đông xuân từ 200–400 đồng/kg, trong khi chất lượng thấp hơn lúa đông xuân khiến các doanh nghiệp cũng có phần ngần ngại khi thu mua.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu chững lại, hầu như các doanh nghiệp chỉ xuất theo những hợp đồng đã ký trước đó, còn những hợp đồng mới rất ít, trong khi lượng tồn kho cũng khá cao. Điều đó làm cho các doanh nghiệp mua thóc của nông dân khá cầm chừng.
Nhiệm vụ thu mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn gạo vụ hè thu với thời hạn thu mua trong 2 tháng (tính từ 15/7 đến 15/9) đã được giao cho những doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện. Về việc định giá sàn thu mua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, giao cho UBND các địa phương đánh giá giá thành sản xuất, từ đó đề xuất giá sàn cho nông dân. Căn cứ vào đề xuất của các tỉnh đó, các cơ quan chức năng phối hợp với VFA để đưa ra mức giá trung bình giữa 2 bên để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.
Mục tiêu của chương trình thu mua tạm trữ là tăng sức mua trên thị trường, nhờ vậy giá tăng lên theo hướng có lợi cho bà con nông dân. Vấn đề bây giờ là các doanh nghiệp phải triển khai nhanh chủ trương thu mua tạm trữ của Chính phủ đối với các mặt hàng gạo, cà phê, muối, điều đó sẽ giúp ngăn chặn giảm giá một số mặt hàng nông sản, thậm chí đẩy được giá tăng.
Kỳ vọng là như vậy, nhưng các doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận của họ lên hàng đầu, mặt khác nếu thu mua tạm trữ mà không có lãi thì chẳng doanh nghiệp nào triển khai. Bởi vậy, Nhà nước không dễ dàng áp đặt giá thu mua tạm trữ chỉ theo kiểu một chiều là có lợi cho nông dân.
Để nông dân có lãi 30%, chúng ta phải gỡ khó theo nhiều hướng, không chỉ là tăng giá thu mua, mà còn có hướng nữa là giúp cho nông dân sản xuất với năng suất cao hơn, giá thành thấp hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách thu tạm trữ chưa thực sự phát huy hiệu quả đối với ngành cà phê. Theo Bộ trưởng, liệu thu mua tạm trữ lúa gạo có đi theo “vết xe” đó?
Việc thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê chậm trễ là do doanh nghiệp thu mua gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Các doanh nghiệp cà phê Việt Nam nhỏ, vốn ít, thị trường hạn chế đã bị các doanh nghiệp nước ngoài với số vốn lớn, hệ thống chế biến hoàn chỉnh... “qua mặt” và dần dần chiếm lĩnh thị trường. Nếu không làm tốt thì bài toán lúa gạo cũng mắc phải tương tự giống cây cà phê.
Tuy nhiên, việc thu mua tạm trữ lúa gạo có thuận lợi hơn cà phê vì các doanh nghiệp thu mua của Nhà nước cũng như tư nhân có hệ thống kho tàng đã được đầu tư nâng cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, đủ sức chứa 4 triệu tấn thóc. Cùng với đó, hiện nay, các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam cũng đã chiếm lĩnh được các thị trường. Khi đã đồng hành cùng nông dân bằng cách ký hợp đồng tiêu thụ ngay từ khi bắt đầu sản xuất, xuống giống cho đến khi thu hoạch, doanh nghiệp sẽ tạo ra một chuỗi giá trị từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ, chế biến.
Bộ trưởng nghĩ sao trước nhiều ý kiến cho rằng, nông dân thường bị thương lái ép giá?
Tuy thương lái làm tăng chi phí cho tiêu thụ lúa gạo, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận vai trò tích cực của bộ phận này. Đây chính là cầu nối giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo của nông dân. Điều kiện sản xuất của ta đã hình thành hệ thống thương lái từ trước, chúng ta phải chấp nhận và coi đó là một thành phần của hệ thống tiêu thụ nông sản.
Việc thương lái ép giá với nông dân, các doanh nghiệp cũng biết, cơ quan quản lý cũng phải có điều chỉnh để hướng dẫn, định hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có hợp đồng cam kết ngay từ đầu vụ. Nhà nước cũng phải cung cấp thông tin thị trường kịp thời để nông dân có thể nắm được đầu vào đầu ra.