Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cùng người thân vào tù

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử tại TAND thành phố Hà Nội mà trong đó, những bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa là anh em, vợ chồng, thậm chí bố mẹ, con cái…

KTĐT -  Rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử tại TAND thành phố Hà Nội mà trong đó, những bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa là anh em, vợ chồng, thậm chí bố mẹ, con cái… Muôn vàn lý do được đưa ra để giải thích cho hành vi phạm tội nhưng khi nhận được bản án nghiêm khắc của pháp luật, các bị cáo mới cúi đầu ân hận.

Tan cửa nát nhà

Trong một lần đi tiếp tế cho chồng ở trại Hưng Yên, Quàng Thị Lả (SN 1965, trú tại bản Thôm, xã Thôm Mòm, huyện Thuận Châu, Sơn La) đã quen một người đàn ông gốc Trung Quốc. Là mối hàng “ruột” của chồng Lả, đối tượng này đã đưa 150.000 USD nhờ Lả về quê mua giúp… heroin. Dù chồng Lả đang chấp hành án phạt 15 năm tù giam về tội mua bán ma túy nhưng tham tiền, người đàn bà dân tộc Thái vẫn gật đầu đồng ý. Về đến bản, Lả đưa tiền cho Quàng Thị Sơ (SN 1983, con gái Lả) và con rể là Quàng Văn Binh đi lấy hàng. Mua được 28 bánh heroin, Binh liền gửi một người trong bản cất giấu rồi giao cho Lả. Đến khi Lả mang số “hàng trắng” trên về đến bến xe khách đã bị bắt giữ. Biết tin mẹ bị bắt, Sơ cùng chồng vội vã bỏ trốn.

Về phần Lả, biết không thể thoát tội tử hình nên Lả đã treo cổ tự vẫn trước ngày đưa ra xét xử. Vài năm sau, Quàng Thị Sơ đã bị CQĐT bắt giữ. Tại phiên tòa, Sơ một mực chối tội và cho rằng mẹ và chồng mình là người trực tiếp đứng ra mua heroin, còn Sơ không hề biết gì về số lượng hàng chục kilôgam heroin trên. HĐXX đã phải yêu cầu trại tạm giam trích xuất phạm nhân sắp bị tử hình Hà Thị Tiến - người đã giấu hàng cho 2 vợ chồng Sơ trước đó để đối chất tại tòa. Lúc này, Sơ mới cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Vì Sơ có con nhỏ dưới 36 tháng nên chỉ phải nhận mức án chung thân vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Nghe HĐXX tuyên án, bị cáo Quàng Thị Sơ bật khóc nức nở. Chỉ vì ham lời từ “cái chết trắng” mà giờ đây cả nhà đã phải trả một cái giá quá đắt. Đến khi phải chấp hành án tù, ai sẽ là người thay Sơ nuôi nấng, dạy dỗ đứa con còn nhỏ.

Hậu quả ai gánh chịu?

Từ lâu người dân phố Trần Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội đã biết xích mích, thù hằn giữa hai anh em ruột Đoàn Quang Hậu (SN 1970) và Đoàn Quang Hải. Chỉ vì tranh chấp nhà cửa, hai anh em đã gây sự, thậm chí xô xát đánh nhau. Một lần, thấy Hậu dọn hàng nước ra bán trước cửa nhà, anh Hải tức giận liền chạy ra chửi bới và đuổi Hậu để mình lấy chỗ bán hàng cà phê giải khát. Anh Hải đã đuổi và dùng bơm xe đạp đánh vào mắt Hậu chảy máu. Con trai Hậu là Đoàn Quang Long (SN 1992) chạy ra thấy thế liền vào bếp cầm dao cùng bố “nghênh chiến” với người bác ruột. Hậu quả anh Hải chết do bị nhiều vết đâm bằng dao của Long và những vết đập của mỏ lết do Hậu gây ra.

Những người tham dự phiên xử hai bố con Hậu ngày hôm đó không khỏi chua chát, xót xa cho hoàn cảnh éo le của gia đình này. Vợ Hậu là Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1973) đang phải chấp hành án phạt trong tù vì tội lừa đảo. Còn Hậu cũng đã từng có tiền án về ma túy chưa được xóa án tích nay lại tiếp tục phạm tội giết người. Thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình trước tòa, bị cáo Hậu ân hận: “Anh Hải thường xuyên đánh chửi bị cáo. Cho nên trong lúc nóng giận, bị cáo đã phạm tội tày đình…”. Nhưng điều đau xót hơn, Hậu đã khiến cả đứa con trai mới lớn phải sa vào vòng lao lý. Theo đó, Hậu phải nhận mức án 12 năm tù giam, còn Long mức án 7 năm tù giam.

Vị chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án hai bố con Hậu và Long hôm đó tâm sự: “HĐXX cũng đã cố gắng xem xét những tình tiết giảm nhẹ: Long gây án khi chưa đủ 18 tuổi, người bị hại cũng có một phần lỗi… để giảm nhẹ hình phạt cho Long. Chúng tôi - những người thực thi pháp luật cũng mong muốn một bản án hợp tình, hợp lý để vừa có tác dụng răn đe nhưng vừa có tính giáo dục để bị cáo có thể sớm trở về xã hội trở thành con người lương thiện”.

Theo ông Quản Quang Phong - Kiểm sát viên của VKSND thành phố Hà Nội, những vụ án có người thân cùng tham gia là thực trạng khá phổ biến tại các phiên tòa xét xử. Những vụ án liên quan đến tội danh cố ý gây thương tích, giết người đều xuất hiện những tình tiết tương tự. Chỉ vì bênh người nhà như bố, mẹ, anh trai hoặc vợ… mà những đối tượng này có thể hành động bột phát mà không nghĩ đến hậu quả là những bản án dành cho mình.

Đặc biệt, loại tội phạm liên quan đến ma túy thì thường sử dụng người thân như “con át chủ bài”. Chúng vận động, thậm chí mua chuộc người thân cùng tham gia ở từng giai đoạn như lúc mua, vận chuyển hoặc bán cho các đối tượng nghiện hút vì có độ tin tưởng, thân thiết nhất định hòng “qua mặt” cơ quan công an. Đến khi đường dây bị triệt phá thì thậm chí cả “đại gia đình” bố mẹ, anh em, cô chú… đều sa vào vòng lao lý.

Những hệ lụy dẫn đến khi những đứa trẻ mà người ruột thịt đều vào tù không còn ai thân thích nuôi dưỡng, giáo dục sẽ “tiếp nối” con đường mà người thân chúng đã đi là điều khó tránh khỏi… Chính vì vậy cần phải gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh thực trạng đáng báo động này khi đã và đang khiến nhiều gia đình phải tan nát.