Nói là “sóng gió” bởi theo kế hoạch ban đầu, kết quả bình chọn được đưa ra vào tháng 4/2016, nhưng vì nhiều bộ, ngành cơ quan tỏ ý quan ngại về cuộc bình chọn nên VCCI đã phải trì hoãn đến gần một năm sau mới công bố. Và thay vì bình chọn 10 quy định tốt nhất, kém nhất như dự kiến trước đó, ban tổ chức đã quyết định đề cử 30 quy định tốt nhất - 30 quy định kém nhất.
Trong danh sách 30 quy định kém nhất, có nhiều quy định đã được cộng đồng DN, dư luận lên tiếng từ lâu. Chẳng hạn quy định DN phải đóng cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Rõ ràng, công đoàn là tổ chức tự nguyện của người lao động nhưng lại yêu cầu người lao động đóng công đoàn phí là không cần thiết, chưa xuất phát từ tính chất, vai trò của công đoàn. Hơn nữa, việc yêu cầu DN đóng công đoàn phí sẽ làm giảm tính độc lập của công đoàn. Khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ người lao động là chi phí xã hội rất lớn nhưng hiệu quả lại không được thể hiện rõ ràng.Quy định “khi cột đo xăng bị hư hỏng, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý” tại Thông tư 15/2015 của Bộ KH&CN cũng được xếp vào danh sách 30 quy định kém nhất. Quy định này được đánh giá là mục tiêu không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng, sử dụng dịch vụ của DN. Quy định này cũng làm giảm cơ hội lựa chọn của DN, tốn kém chi phí mà lại không tạo được lợi ích rõ ràng nào cho xã hội và chi phí tuân thủ cũng rất cao.Còn rất nhiều quy định thuộc các Bộ Công an, Công Thương, TT&TT, KH&ĐT… cũng nằm trong danh sách 30 quy định đề cử kém. Có thể thấy rằng, mặc dù chịu khá nhiều sức ép nhưng kết quả Cuộc bình chọn lần này đã phần nào nói lên tiếng nói của cộng đồng DN trước các quy định pháp luật còn phiền hà, bất cập hiện nay. Thậm chí, có thể xem đây là một “cú tấn công” vào các quy định pháp luật nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Một việc nhỏ nhưng sẽ có tác động lớn đến tất cả người soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật. Từ nay, họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, thể hiện thận trọng hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật.Chính vì ý nghĩa đó mà một số chuyên gia đã đề xuất VCCI nên duy trì Cuộc bình chọn định kỳ 6 tháng/lần để nâng cao hơn nữa chất lượng ban hành văn bản pháp luật, để không còn những quy định ngăn cản, can thiệp quyền tự chủ kinh doanh của DN như quy định “Cơ sở in không được hợp tác với các cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm in do mình đã nhận hợp tác” tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP. Hay như Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương, với quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống… làm lợi cho một số nhà phân phối ô tô và đẩy nhiều DN đến chỗ phá sản, đóng cửa.Mặt khác, Cuộc bình chọn cũng sẽ có tác dụng cổ vũ, biểu dương các cơ quan soạn thảo, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tạo thuận lợi cho DN và người dân. Với ý nghĩa đó, cuộc bình chọn là rất cần thiết, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, đặc biệt là tinh thần của Chính phủ kiến tạo, hành động, tinh thần khởi nghiệp.