Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cuộc cách mạng” cho nông nghiệp Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng...

Kinhtedothi - Để thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), TP Hà Nội đã xây dựng một số chính sách khuyến khích đầu tư. Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 vừa được UBND TP phê duyệt được kỳ vọng là "cuộc cách mạng" của ngành nông nghiệp Thủ đô. Đây được coi là giải pháp tối ưu để gỡ khó về nguồn vốn cho các DN.

Nhiều ưu đãi

Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC do là thị trường tiêu thụ lớn và có nhiều cơ quan nghiên cứu hàng đầu của cả nước đóng trên địa bàn. Vì vậy, TP đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 chiếm từ 40% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (mục tiêu chung của cả nước là 35%). Đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC có tiềm năng thu lợi rất lớn, song cũng đồng nghĩa với việc DN phải vượt qua nhiều thách thức. Đặc biệt, để được hưởng các chính sách hỗ trợ của TP, các DN và chủ trang trại phải đáp ứng được 3 điều kiện: Đầu tư đúng lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC; sử dụng các thiết bị kỹ thuật CNC vào sản xuất; tạo ra sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, hàm lượng CNC trong sản phẩm phải đạt 70% và giá trị sản phẩm phải đạt doanh thu tối thiểu đối với DN là 15 tỷ đồng/năm, trang trại là 2 tỷ đồng/năm.

 
Trồng hoa lan chất lượng cao tại Công ty Flora, ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Quang Thiện
Trồng hoa lan chất lượng cao tại Công ty Flora, ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Quang Thiện
Việc xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này và được coi là giải pháp gỡ khó cho các DN. Vì vậy, bên cạnh việc điều chỉnh các chính sách theo Quyết định số 1895/QĐ-Ttg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ, Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐND ngày 5/4/2014 của HĐND TP, các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC có nhiều điểm mới và sẽ được áp dụng trên cơ sở có lợi nhất cho nhà đầu tư. Chẳng hạn như chính sách ưu đãi về đất đai, DN, chủ trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật. Đối với xây dựng hạ tầng, DN, chủ trang trại đầu tư xây dựng vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC được TP hỗ trợ tối đa 50 tỷ đồng/khu, 5 tỷ đồng/vùng (đối với DN), 700 triệu đồng/vùng (đối với trang trại).

Ngoài ra, DN, chủ trang trại còn được TP hỗ trợ tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới: Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng khi mua bí quyết công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, 20% giá trị đầu tư mua các thiết bị kỹ thuật CNC. Để tạo bước đột phá về chất lượng sản phẩm, TP còn hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nhân lực CNC và 50% chi phí xúc tiến thương mại (quảng cáo, tham gia triển lãm, hội chợ...) và hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP, xây dựng thương hiệu cho DN.

Trọng tâm là khơi thông nguồn vốn

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, chính sách hỗ trợ đầu tư được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm khơi thông nguồn vốn cho các DN. Bởi, bên cạnh việc được vay vốn từ Quỹ Khuyến nông và Quỹ Đầu tư phát triển TP, các DN, chủ trang trại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC còn được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng. TP sẽ hỗ trợ 100% lãi suất đối với các DN, trang trại vay vốn tại các ngân hàng thương mại và 70% đối với các DN, trang trại tự huy động vốn theo mức lãi suất Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam áp dụng trên địa bàn Hà Nội trong thời gian 36 tháng. Không chỉ được ưu tiên về nguồn vốn, DN còn được TP hỗ trợ 100% thuế thu nhập DN trong một năm tiếp theo, 50% trong một năm sau đó và hỗ trợ một năm phí bảo hiểm.

Sở dĩ DN có tâm lý e ngại đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, ngoài các yếu tố rủi ro còn do rào cản trong tiếp cận nguồn vốn. Theo ông Nguyễn Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, trên thực tế, đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi DN phải có nguồn vốn lớn. Vì vậy, cá nhân tham gia đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô lớn cũng nằm trong đối tượng được hỗ trợ. Đối với chính sách hỗ trợ đầu tư cho các DN thì trọng tâm là áp dụng theo Luật CNC. Tuy nhiên, TP cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ về việc DN chứng minh nguồn vốn mà mình tự huy động được.