Mục tiêu giành từ 2 - 3 HCV, thậm chí nhiều hơn nữa vẫn đang là một thách thức với Đoàn thể thao Việt Nam khi mà vài ngày qua nhiều niềm hy vọng đã xuất trận. Thế nhưng, chính sự mong manh ấy sẽ mang đến áp lực phải thay đổi trong chiến lược đầu tư của các môn thể thao sau này. Vẫn phụ thuộc vào các môn võ Thúy Vi giành vàng cho thể thao Việt Nam. Thêm một lần nữa, các môn võ đã chứng tỏ "quyền lực" của mình trong làng thể thao. Rằng, chỉ có họ mới có thể tiệm cận đến trình độ của khu vực và châu lục. Đến thời điểm này, hầu hết trong số những tấm huy chương mà thể thao Việt Nam có được đều đến từ các môn võ. Bốn tấm huy chương vốn không phải là các môn võ thuộc về bơi lội, bắn súng, cử tạ và rowing. Đáng nói, trong số này, hai niềm hy vọng số 1 của bơi lội, bắn súng là Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh đã xuất trận. Dù đã có được phong độ tốt nhưng khả năng giành vàng của hai VĐV này trong những nội dung còn lại là không cao bởi đối thủ của họ đều là những VĐV đạt đẳng cấp thế giới. Vậy nên, giới chuyên môn cho rằng, để đạt được chỉ tiêu vàng, thể thao Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào phong độ của các VĐV thuộc các môn thể thao mũi nhọn như Karatedo, Judo và thậm chí là taekwondo. Đây là những môn thể thao vốn sở hữu những VĐV đạt đẳng cấp châu lục và thế giới. Nghĩa là, nếu đạt phong độ cao và có thêm một chút may mắn, họ hoàn toàn có thể đứng lên bục cao nhất ở nội dung mà mình thi đấu. Tuy nhiên, điều khiến giới chuyên môn cảm thấy lo lắng nhất chính là việc, nếu phải đối đầu với VĐV của những nước sản sinh ra các môn thể thao như: Karatedo, Judo và taekwondo là Nhật Bản, Hàn Quốc thì gần như các niềm hy vọng của chúng ta không có cơ hội giành vàng. Trường hợp này đã xảy ra vào chiều qua khi VĐV tán thủ môn wushu là Bùi Trường Giang đã thúc thủ trước VĐV Trung Quốc là Fuxiang Zao với tỷ số 0 - 2. Thay đổi nhận thức về thể thao Olympic Bên cạnh việc hoàn thành chỉ tiêu về huy chương thì điều quan trọng nhất với thể thao Việt Nam là phải biết soi mình vào tấm gương lớn để xem mình đang ở đâu và tìm lấy cho mình con đường để phát triển. Và giới chuyên môn cho rằng, tại Á vận hội lần này, thể thao Việt Nam đã có cho mình rất nhiều bài học về nhận thức cũng như định hướng đầu tư. Đầu tiên là việc kình ngư trẻ Ánh Viên lần đầu tiên giành huy chương cho bơi lội Việt Nam đã mở ra một cái nhìn hoàn toàn khác về khả năng giành vinh quang của các môn thể thao Olympic Việt Nam. Rằng, nếu có được chiến lược tuyển chọn và huấn luyện hợp lý, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể có những VĐV đạt đẳng cấp châu lục. Ngay cả bản thân Ánh Viên cũng vẫn có thể đạt được thứ hạng cao hơn trong tương lai nếu được đầu tư tương xứng. Tiếp đến, thông qua việc các VĐV bắn súng, cử tạ, rowing liên tiếp giành huy chương, thậm chí, lực sĩ Thạch Kim Tuấn còn phá kỷ lục ASIAD, các nhà chuyên môn đều có chung nhận định, thể thao Việt Nam đang có những VĐV tiệm cận đến trình độ châu lục. Vấn đề lúc này là phải tạo điều kiện cho họ thường xuyên được cọ xát để nâng cao kinh nghiệm trận mạc để không có chuyện, bắn súng Việt Nam mất vàng vì mất bình tĩnh trong loạt bắn cuối cùng. Thể thao Việt Nam hiện tại vẫn phải trông cậy vào các môn võ để giải bài toán về thành tích. Nhưng, cuộc cách mạng về tư duy, về định hướng đầu tư của ngành thể thao đang hứa hẹn khởi phát khi mà các nội dung Olympic bắt đầu cho thấy tiềm năng của mình.